Mới đây, trong lúc chờ đón con trước cổng trường, tôi bất ngờ thấy cô em họ cũng đang loay hoay tìm chỗ để xe đợi con tan học. “Sao hôm nay không đi làm mà lại đi đón con thế này?”, tôi hỏi. Cô em tôi than thở: “Công ty em không có đơn hàng, công nhân chúng em bị cắt giảm việc làm. Gần 1 tháng nay em cứ đi làm 1 tuần lại nghỉ 1 tuần chị ạ”. Cô em tôi cho biết bị cắt giảm thời gian làm việc với cô ấy vẫn còn là may mắn bởi một số bạn của cô ấy đang làm tại một số doanh nghiệp trong tỉnh thời gian gần đây đã bị công ty cho nghỉ việc trước thời hạn hợp đồng do công ty không có đơn hàng mới, đơn hàng cũ bị giảm.
Tình trạng nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới, bị thiếu đơn hàng, cắt giảm đơn hàng dẫn đến người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm thời gian gần đây tăng lên. Nhiều công nhân bị mất việc làm đột ngột phải xoay xở tìm việc làm khác song cũng rất khó khăn do hiện nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng. Một số người bị cắt giảm việc làm, thu nhập giảm sút trong khi mọi chi phí ngày càng tăng, nhất là Tết Nguyên đán đang đến gần.
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng trên 360.000 lao động. Lực lượng lao động chính trong các doanh nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông (73%). Đến ngày 13.12, toàn tỉnh có trên 50 doanh nghiệp với trên 37.000 lao động đang làm việc không tổ chức làm thêm giờ, cắt giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động do gặp khó khăn bị cắt giảm đơn hàng, thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng cao. Đáng chú ý có 14 doanh nghiệp cắt giảm giờ làm, giãn việc, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động, 40 doanh nghiệp không bố trí làm thêm giờ. Các doanh nghiệp chủ yếu thuộc lĩnh vực dệt may, điện tử, da giày…
Theo Viện trưởng Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Vũ Minh Tiến, kết quả khảo sát trong tháng 11.2022 với trên 6.200 công nhân trong cả nước cho thấy có đến 59% số công nhân không có tích lũy và thu nhập giảm, thu nhập bị giảm còn 5,9 triệu đồng/tháng thay vì 6,7 triệu đồng/tháng như thống kê quý III năm nay. Nguyên nhân chính là doanh nghiệp không có đơn hàng, chi phí nguyên liệu đầu vào, lãi suất… tăng cao.
Theo nhận định của một số chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm thì tình hình công nhân, lao động mất việc, giãn, giảm việc làm trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm vẫn tiếp tục xảy ra. Điều này tác động tiêu cực đến đời sống người lao động bởi có thể công nhân không được giải quyết chế độ tiền lương, tiền thưởng Tết. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi người lao động, các cấp công đoàn trong tỉnh cần chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động tư vấn, đối thoại tại cơ sở để kịp thời nắm bắt tâm tư của đoàn viên công đoàn, người lao động để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ. Những doanh nghiệp không đủ đơn hàng để duy trì hoạt động bình thường, công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với người sử dụng lao động có phương án làm việc luân phiên, giảm giờ làm, tạo điều kiện cho công nhân, lao động có việc làm. Trường hợp phải cắt giảm lao động, cần quan tâm duy trì việc làm đối với lao động nữ mang thai, người lao động đang nuôi con nhỏ hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo. Theo dõi, nắm chắc tình hình của doanh nghiệp, đoàn viên, người lao động để tham gia, đề nghị người sử dụng lao động xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và các chế độ cho người lao động trong dịp Tết Quý Mão. Có chính sách hỗ trợ đối với những công nhân làm việc lâu năm, công nhân có hoàn cảnh khó khăn, công nhân xa quê.
Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động, nhất là người lao động bị mất việc làm; có chính sách hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp do bị giảm giờ làm, giãn việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động, đặc biệt là những người lao động mất việc làm đang ở trong các khu nhà trọ để ổn định cuộc sống trong dịp Tết Nguyên đán...
Theo Báo Hải Dương