Từ cán bộ quản lý đến giáo viên cần tự thay đổi trong môi trường giáo dục mới. Ảnh minh họa: Internet
Thuật ngữ quản trị quốc gia, được đưa vào và xác định hướng đi trong nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII, đó là: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh và hiệu quả”. Như thế có thể hiểu, bản chất của quản trị quốc gia là quá trình ra quyết định và tổ chức thực hiện để quản lý đất nước, giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội của quốc gia. Người ta nói, đây là sự đổi mới chức năng của Nhà nước từ “Người chèo, lái thuyền” sang “Người hoa tiêu”.
Nói riêng về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, việc bổ sung thuật ngữ quản trị thay cho quản lý nhà trường là một bước tiến mới trong công cuộc làm thay đổi cơ bản giáo dục nước nhà. Điều đó thể hiện tính chất của sự đổi mới trong nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức, điều hành các hoạt động giáo dục ở mỗi trường học theo mục tiêu tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở giáo dục. Từ đó, đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của cơ sở giáo dục.
Phân biệt giữa quản lý và quản trị nhà trường
Ở nước ta, quản lý và quản trị là thuật ngữ đã có từ lâu trong lĩnh vực giáo dục, tuy nhiên người ta ít dùng cụm từ quản trị nhà trường hơn so với quản lý. Quản trị nhấn mạnh tới sự phân bổ quyền lực cho cơ sở và trong cơ sở; cách thức đo lường đánh giá hiệu quả công việc; và thực hiện nhiệm vụ của một đơn vị cũng như tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở và đội ngũ trong cơ sở đó. Quản trị tập trung chủ yếu vào kết quả và thành tích hoạt động của một nhà trường nào đó.
Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT có định nghĩa: “Quản trị nhà trường là quá trình xây dựng các định hướng, quy định, kế hoạch hoạt động của nhà trường; tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục thông qua huy động, sử dụng các nguồn lực, giám sát, đánh giá trên cơ sở tự chủ, có trách nhiệm giải trình để phát triển nhà trường theo sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu giáo dục của mỗi nhà trường”.
Quản trị tốt sẽ đem lại môi trường giáo dục hạnh phúc và hiệu quả. Ảnh minh họa: internet
Từ định nghĩa trên dễ nhận thấy một số dấu hiệu nổi trội của hoạt động quản trị khi được so sánh với quản lý nhà trường:
Giao quyền tự chủ và giám sát mà không là phân cấp, ủy quyền. Xây dựng chiến lược và kết hợp với lãnh đạo mà không là chỉ chú ý tới chiến thuật và các phương án hành động. Lựa chọn làm những thứ được cho phép để đạt mục tiêu giáo dục mà không làm mọi thứ cho phép một cách tốt nhất. Coi trọng lập kế hoạch, quy trình, quy chuẩn hoạt động mà không chỉ coi trọng kết nối, thúc đẩy và kiểm soát người làm. Hiệu trưởng biết sử dụng các quy trình khi tổ chức, động viên, thúc đẩy và truyền cảm hứng cho người làm mà không chỉ biết tổ chức, linh hoạt và làm việc có hiệu quả.
Như vậy, quản trị nhà trường coi trọng kết quả đạt được, nhấn mạnh tới tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của giáo viên và người lao động, coi trọng tính kỷ luật và chất lượng, hiệu quả công việc. Quản lý nhà trường lại coi trọng quá trình dẫn đến kết quả, chú ý nhiều tới mối quan hệ phối hợp giữa những người làm, nhấn mạnh tới cơ chế phân cấp, phân quyền trong tổ chức và điều hành.
Nội dung cơ bản của hoạt động quản trị nhà trường
Nội dung bao trùm của hoạt động quản trị nhà trường là huy động trí tuệ tập thể để xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường trên cơ sở tự chủ và có trách nhiệm giải trình. Chú trọng tạo ra môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ và chống bạo lực học đường theo các tiêu chí của mô hình trường học hạnh phúc. Do vậy mỗi cơ sở giáo dục cần tập trung vào những hoạt động cơ bản dưới đây:
Quản trị hoạt động dạy và học theo hướng hình thành và phát triển năng lực học sinh; giáo dục không áp đặt, phát huy tính chủ động, tích cực của người học; tích hợp ở lớp dưới và phân hóa ở lớp trên. Quản trị nhân sự nhà trường theo hướng tăng tính chủ động sáng tạo của giáo viên, coi trọng tạo động lực cho người dạy và người học.
Quản trị tài chính nhà trường theo hướng minh bạch, công khai; đa dạng hóa nguồn lực tài chính nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Quản trị tổ chức, hành chính nhà trường theo hướng coi trọng phân công đúng người, đúng việc và ủy quyền trên cơ sở “bản mô tả công việc”.
Quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ dạy học, giáo dục trên cơ sở coi trọng khả năng sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ cho việc nâng cao chất lượng nhà trường. Quản trị chất lượng giáo dục trên cơ sở coi trọng tự đánh giá mức độ đạt được và chủ động tham gia quá trình kiểm định chất lượng nhà trường, sử dụng kết quả đánh giá để cải tiến chất lượng nhà trường.
Trên những thành quả của hoạt động quản lý nhà trường có được, cần thay đổi và dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng tự chủ nội bộ trong nhà trường, cùng nhau tự quản lý và chịu trách nhiệm giải trình một cách cao hơn khi được giao quyền tự chủ.
Quản trị nhà trường được hiểu tương tự với quản lý nhà trường trong cơ chế tự chủ và tự trách nhiệm xã hội - giải trình. Từ đó, các cơ quan quản lý Nhà nước không còn cơ chế “trói buộc” đối với các cơ sở giáo dục và chính cơ sở giáo dục cũng không còn cơ chế “trói buộc” đối với giáo viên và người lao động. Đồng nghĩa, nhà trường không bị quá lệ thuộc vào cấp trên mà làm mất tính chủ động sáng tạo của tất cả mọi người./.
Theo Giáo dục và Thời đại