Quản trị
Khái niệm “quản trị - governance” có nguồn gốc trong tiếng Hy Lạp cổ đại là “kubernân”, nghĩa là điều khiển/chèo lái. Sau này, Plato sử dụng từ đó với hàm ý “thiết kế một hệ thống cai trị”. Đến thời trung cổ thì trong ngôn ngữ Latin xuất hiện từ “gubernare”, cũng hàm ý điều khiển hay cai trị thông qua pháp luật. Cho đến những năm 1970 thì “quản trị” vẫn thường được sử dụng hoán đổi với “cai trị - government”. Từ đầu những năm 1980, khái niệm “quản trị” được sử dụng với những hàm nghĩa đa dạng hơn.
Đến nay, có hai hướng tiếp cận về quản trị: đề cao vai trò của nhà nước và đề cao vai trò của xã hội. Hướng tiếp cận đặt trọng tâm vào chính quyền/nhà nước định nghĩa: quản trị là khả năng hoạch định và thực thi chính sách của chính quyền, hay nói cách khác là năng lực chèo lái xã hội. Quan điểm này nhấn mạnh vai trò kiểm soát đời sống kinh tế - xã hội của chính quyền. Quy trình hoạch định và thực thi chính sách xuất phát từ chính quyền và đặt trọng tâm vào vai trò của chính quyền. Ngược lại, hướng tiếp cận quản trị đề cao vai trò của xã hội lại coi trọng nhu cầu và năng lực của các chủ thể ngoài nhà nước, nhấn mạnh khả năng tự tổ chức và tự chèo lái của các mạng lưới đa chủ thể.
Trên quy mô toàn cầu và đơn giản nhất, quản trị thường được hiểu với ba hàm ý: (i) hợp tác quốc tế thông qua các thể chế toàn cầu; (ii) hệ thống hành chính nhà nước thực hiện chính sách công; và (iii) những quy định hành vi thông qua các mạng lưới và cơ chế phi thứ bậc.
Theo tổ chức Nông - Lương thế giới, quản trị là “cách thức quản lý xã hội, cách thức dung hòa và giải quyết các lợi ích cạnh tranh nhau giữa các nhóm xã hội khác nhau. Hệ thống quản trị bao gồm các thể chế chính quyền cũng như các trật tự thể chế tồn tại bên ngoài chính quyền”.
Hàm ý rõ nhất của khái niệm “quản trị” là nhấn mạnh tính chất đa chủ thể và đề cao sự hợp tác giữa các chủ thể, cả công và tư, cả trong nước và quốc tế để giải quyết các vấn đề mang tính tập thể. Do đó, khái niệm quản trị nhấn mạnh các quy trình chính thức nhằm tạo ra các cam kết đa chủ thể có thể thực thi. Trong đó, chính quyền sẽ hoạt động như một nhà điều phối sự khác biệt về mong đợi và lợi ích của các chủ thể đa dạng. Bởi những đặc điểm nêu trên, tư duy quản trị nhấn mạnh việc xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các chủ thể, giải quyết hài hòa các lợi ích, hướng đến và hiện thực hóa các giá trị cùng được chia sẻ bởi các chủ thể.
Các cấp độ quản trị
Với nội hàm nêu trên, khái niệm quản trị thường được sử dụng linh hoạt theo nhiều cấp độ khác nhau.
Tại nhiều nước Âu -Mỹ, quản trị địa phương hàm ý các hình thức “tự quản”, vốn gắn với các đơn vị chính quyền cơ sở kết hợp với các tổ chức tư nhân, tổ chức cộng đồng tự quản, tổ chức xã hội dân sự để cùng giải quyết các vấn đề dân sinh hàng ngày của người dân địa phương.
Quản trị quốc gia đề cập đến hệ thống chính trị trong những không gian lãnh thổ có chủ quyền và quyền lực được phân bố cho các chủ thể cả trong và ngoài nhà nước, hướng đến gia tăng hiệu lực và hiệu quả thực thi chính sách trên quy mô toàn quốc. Tại các nước đang phát triển, quản trị quốc gia cũng có thể được dùng hoán đổi với quản trị nhà nước, vốn là một tập hợp các thành tố đa dạng, chứ không chỉ đề cập đến chính quyền như ở các nước phương Tây. Quản trị nhà nước đề cập đến sự thay đổi vai trò của nhà nước và nhu cầu hợp tác giữa các thành tố tạo nên nhà nước với các chủ thể mới (tư nhân, phi lợi nhuận, liên quốc gia) xuất hiện trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Ở cấp độ khu vực hoặc toàn cầu, quản trị các vấn đề liên quốc gia hay quản trị quốc tế đề cập đến các cấu trúc quyền lực có chức năng thiết lập nguyên tắc, kiến tạo sự hợp tác, và giải quyết các vấn đề xảy ra giữa các quốc gia. Với các cấu trúc quản trị khu vực hay toàn cầu, không tồn tại một chủ thể quyền lực tối cao như trong các cấu trúc quản trị ở cấp độ quốc gia.
Như vậy, xét riêng quản trị ở cấp độ quốc gia, bên cạnh hệ thống hành chính và các cơ chế thị trường, các nhà lãnh đạo sẽ có thêm mạng lưới các chủ thể đa dạng để có thể huy động họ tham gia giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng. Đồng thời, hệ thống quản trị quốc gia đòi hỏi chính quyền phải dần thích ứng được với vai trò điều phối sự khác biệt về mong đợi và lợi ích giữa các chủ thể quản trị. Cũng có nghĩa, chính quyền không thể dễ dàng áp đặt ý chí của mình cho các bên liên quan như trong mô hình quản lý nhà nước hay cai trị truyền thống trước đây.
Minh Hoàng