Tại Quảng Bình, nhiều gia đình đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng nhiều sự hỗ trợ khác, giúp bà con dần ổn định cuộc sống trên quê hương của mình.
Ông Trần Văn Tài, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, người dân ở các khu dân cư được hội đoàn thể và tổ vay vốn tới nắm bắt nhu cầu, hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ ngay tại nhà. Đến kỳ, ngân hàng sẽ giải ngân vốn tại xã để người dân có thể vay và làm ăn khi trở lại quê hương mình.
Theo khảo sát của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình, chỉ tính riêng huyện Bố Trạch, có tới gần 200 hộ gia đình vừa trở về từ các tỉnh thành miền Nam có nhu cầu vay vốn. Việc không cần thế chấp tài sản đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để bà con tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này.
Ông Nguyễn Quang Trung xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch vừa trở về quê được hơn một tháng gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, tạo việc làm mới. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là sự hỗ trợ từ phía hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội với gói vay ưu đãi 100 triệu đồng đã giúp ông mạnh dạn đầu tư, làm ăn trên chính quê hương mình.
Ông Phan Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch cho hay, Ngân hàng Chính sách xã hội có chủ trương cho bà con từ các tỉnh phía Nam trở về quê vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Chính quyền địa phương đang triển khai và sẽ giám sát, tạo điều kiện cho bà con hoàn thành các thủ tục vay vốn triển khai một số mô hình thích hợp với vùng gò đồi của xã.
Tại địa bàn huyện Quảng Ninh, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phân công cán bộ tiếp cận, làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn rà soát đối tượng bị ảnh hưởng do dịch. Từ đó, nắm bắt tình hình nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn, giúp cho doanh nghiệp và người lao động sớm ổn định cuộc sống; giảm các tác động tiêu cực bởi đại dịch. Đến nay, đã có 6 doanh nghiệp trên địa bàn được vay với số tiền 511 triệu đồng cho 149 lượt lao động.
Ông Hoàng Đại Túy, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Ninh cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Ninh tích cực tham mưu thực hiện tốt Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư trong giai đoạn mới. Đồng thời, tham mưu hiệu quả cho HĐND, UBND huyện tăng cường nguồn lực từ địa phương hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Việc tranh thủ nguồn vốn vay ưu đãi, xây dựng các mô hình kinh tế VAC, được coi là định hướng chính của tỉnh Quảng Bình đối với các hộ gia đình này. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề cho người dân có nhu cầu, cũng được xem là những giải pháp cấp thiết nhằm tạo sinh kế bền vững cho nhiều hộ dân trở về quê hương sau đại dịch COVID-19./.