Xác định ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng mới, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký đã nhấn mạnh, trong giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Ninh phải đạt được 3 đột phá trong phát triển ngành này. Cụ thể, đột phá về thu hút tổng vốn đầu tư, tốc độ giá trị gia tăng; đột phá về tỷ trọng đóng góp vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) và thu ngân sách địa phương; đột phá về thu hút lao động chất lượng cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số thông qua phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.
Muốn đạt được điều này, theo ông Ký, Quảng Ninh phải thực hiện tốt 4 giải pháp cốt lõi gồm: quy hoạch mặt bằng sản xuất; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; nguồn nhân lực sẵn có, dễ tiếp cận; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống an ninh, an toàn, văn minh, thân thiện. Trong đó, yếu tố mặt bằng sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phải gắn với phát triển các khu công nghiệp bền vững theo mô hình “3 trong 1” là khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, nhà đầu tư, theo ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, Quảng Ninh có cơ hội để phát triển các cụm công nghiệp, khu công nghiệp chuyên biệt, thúc đẩy các sáng kiến về phát triển xanh, tận dụng các lợi thế cảnh quan để phát triển bền vững, làm cho Quảng Ninh khác biệt so với các địa phương khác.
“Hiện Quảng Ninh đang hình thành những KCN thế hệ mới theo hướng tích hợp các tiện ích và phát triển theo lĩnh vực chuyên ngành”, ông Hoàng Trung Kiên, Phó trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết. Thật vậy, thời điểm tháng 9/2020, khi Tập đoàn Thành Công khởi công Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công - Việt Hưng tại Quảng Ninh, ông Đào Phong Trúc Đại, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp Việt Hưng đã khẳng định: “Tập đoàn Thành Công sẽ đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Việt Hưng thành khu công nghiệp chuyên về công nghiệp ô tô”.
KCN Cái Lân cũng đang được quy hoạch, cơ cấu lại và chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với các quy hoạch, định hướng phát triển mới của TP. Hạ Long, hướng tới trở thành khu công nghiệp sạch, công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn. Theo đó, KCN này sẽ thực hiện quy hoạch lại và cơ cấu lại, chuyển đổi ngành nghề trở thành KCN thông minh, công nghệ cao, công nghiệp sạch, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả đất đai, xây dựng đô thị dọc hai bờ vịnh Cửa Lục để phát triển không gian TP. Hạ Long.
KCN cảng biển Hải Hà, huyện Hải Hà và KCN Hải Yên của KCN Cửa khẩu Móng Cái được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp thời trang, công nghiệp sáng tạo khu vực phía Bắc. Khu kinh tế ven biển Quảng Yên hình thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hậu cần cảng và đô thị hiện đại, thông minh của tỉnh Quảng Ninh và khu vực Đồng bằng sông Hồng...
Được biết, Quảng Ninh cũng đang lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện đầu tư hạ tầng KCN Hồng Thái Đông 150 ha (thị xã Đông Triều), KCN phụ trợ ngành than 400 ha (TP. Cẩm Phả), KCN Tiên Yên 150 ha (Tiên Yên), KCN Y dược công nghệ cao 1.000 ha và KCN cao 800 ha tại Khu kinh tế Vân Đồn.
Trước mắt, với nền tảng hạ tầng các KCN hiện có và đang được hoàn thiện, thì theo tính toán của Ban Quản lý khu kinh tế, dự kiến trong năm 2021, các KCN, KKT thuộc địa bàn quản lý của Ban sẽ thu hút thêm từ 400 - 500 triệu USD. Trong đó, thu hút mới từ 10 - 12 dự án, với tổng vốn đạt 350 - 450 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 5 - 6 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư tăng thêm khoảng 50 triệu USD. “Các dự án thu hút mới sẽ tập trung chủ yếu trong lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ cảng biển theo như định hướng thu hút đầu tư của tỉnh”, ông Kiên chia sẻ.
Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được 83 dự án công nghiệp chế biến chế tạo với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 56.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 24.000 lao động, đóng góp bình quân hơn 1.400 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2010-2020. Các dự án này đa phần tập trung trong các KCN của tỉnh./.
Theo Báo Đầu tư