Tình huống phản cảm đã xảy ra tại lễ chào cờ trước trận Việt Nam - Lào tại vòng bảng AFF Cup 2020 tối 6-12: Khi Quốc ca Việt Nam vang lên thì bị tắt tiếng trên một số kênh YouTube tiếp sóng trận đấu.
Kèm theo đó là lời xin lỗi của kênh phát sóng Next Sports: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm".
Rất nhiều người đã rất phẫn nộ với cách hành xử này. Ban đầu mọi hoài nghi dồn về BH Media vì cái vết "đánh gậy bản quyền" của đơn vị này với "Tiến quân ca" và "Giấc mơ trưa" cách đây khoảng 1 tháng, thế nhưng sau đó thì sự việc đã rõ hơn: Do Next Sports đã tự tắt tiếng để phòng hờ nguy cơ bị "đánh gậy bản quyền", sẽ dẫn tới mất doanh thu từ YouTube. Trước đó, có tin một kênh YouTube tiếp sóng trận Việt Nam - Ả Rập Saudi hôm 16-11 từng bị phạt, mất toàn bộ doanh thu, vì ban tổ chức trận đấu đã dùng bản ghi Quốc ca Việt Nam do hãng đĩa Marco Polo (Mỹ) sản xuất để phát tại lễ chào cờ mà chưa được hãng này đồng ý.
"Tiến quân ca" được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao (tác giả nhạc và lời) hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc vào năm 2016. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, đối với tác phẩm âm nhạc hợp pháp, mọi cá nhân và tổ chức đủ năng lực hành vi dân sự đều có quyền đầu tư các nguồn lực để tạo ra những bản ghi âm, phối khí khác nhau và đều có quyền làm chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi/ phối khí đó, bất kỳ ai muốn sử dụng phải xin phép nhà sản xuất. Lý giải của các bên liên quan về trường hợp "Tiến quốc ca" trước trận Việt Nam - Lào, chiếu theo luật, là có thể tạm chấp nhận.
Nhưng đối với "Tiến quân ca", đây không chỉ là tác phẩm âm nhạc mà là Quốc ca Việt Nam, đi cùng với tác phẩm là bao giá trị thiêng liêng, là tinh thần dân tộc, là hào khí quốc gia, là chủ quyền đất nước và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và nhân dân. Điều 13 Hiến pháp 2013 đã hiến định: "Quốc ca nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài "Tiến quân ca". Ngày 7-12, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã lên tiếng khẳng định mọi hình thức ngăn cản phổ biến Quốc ca đều trái luật...
Như vậy thì phải tuyệt đối không để Quốc ca rơi vào tình cảnh tranh chấp, nhất là vì lợi nhuận; tuyệt đối không để xảy ra tình huống hết sức phản cảm như tắt tiếng trong lễ chào cờ.
Giải pháp là gì? Cốt lõi là trách nhiệm từ phía chúng ta. Với tất cả sự kiện trọng thể có lễ chào cờ, dù trong nước hay xuyên biên giới, cơ quan chuyên trách của Việt Nam phải luôn chủ động cung cấp cho ban tổ chức chương trình bản ghi Quốc ca hoặc Quốc thiều bảo đảm chính xác, có bản quyền, tốt nhất là bản ghi chuẩn đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thẩm định, thông qua. Trong nước không thiếu những bản ghi tốt, đã có từ năm 1945 rồi, nay cần sản xuất mới thì cũng thừa sức làm.
Luật về bản quyền trên mạng ngày càng chặt chẽ, đòi hỏi mọi thể nhân, pháp nhân tham gia phải chuyên nghiệp, tuân thủ. Riêng với Quốc ca, chuyên nghiệp thôi thì chưa đủ mà phải biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên cao nhất. Để làm được điều đó, từng cá nhân phải đề cao và thực hành thật tốt trách nhiệm công dân./.
Theo Người lao động