Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định sáng 14/5/2024. Ảnh: Trần Thắng
1. Tại kỳ họp sáng 15/5 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó, có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 15 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Cụ thể, về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, trong đó có Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi)...
Đồng thời, Quốc hội cho ý kiến 11 dự án luật, gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân...
Bên cạnh đó, Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26 ngày; khai mạc vào ngày 20/5/2024 và dự kiến bế mạc vào chiều ngày 27/6/2024 (trong đó Quốc hội làm việc thứ Bảy ngày 25/5 và thứ Bảy ngày 8/6).
Trước đó, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp giao ban giữa Lãnh đạo Quốc hội và Thường trực các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã lưu ý khối lượng nội dung trình tại Kỳ họp thứ 7 rất lớn đồng thời đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng dự kiến chương trình Kỳ họp khoa học, chặt chẽ, hợp lý, tính khả thi cao.
2. Ngày 14/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã có cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7. Tại cuộc tiếp xúc, cử tri đã kiến nghị, đề nghị với Đoàn ĐBQH về nhiều nội dung như: kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, hạ lãi suất, kéo dài thời hạn cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua và doanh nghiệp được tiếp cận gói tín dụng (120.000 tỷ đồng) về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể (về lựa chọn nhà thầu; mẫu hồ sơ lựa chọn; nguyên tắc, tiêu chí, tổng hợp nhu cầu để lập danh mục thuốc mua sắm tập trung, phân nhóm thiết bị y tế...) theo quy định của Chính phủ, để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân; kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc cho phù hợp; kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí cho địa phương để sớm thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các hộ gia đình người có công, thân nhân liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn (nhà ở có nguy cơ sụp đổ, không an toàn); đồng thời xem xét nâng mức hỗ trợ xây mới và hỗ trợ sửa chữa, cải tạo nhà ở cao hơn mức quy định hiện nay để phù hợp với tình hình thực tế…
Trước đó, trong 2 ngày 13 và 14/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã có cuộc tiếp xúc cử tri tại tỉnh Bình Định, trước thềm Kỳ họp thứ 7. Tại cuộc tiếp xúc, nhiều vấn đề được cử tri gửi gắm đến các đại biểu Quốc hội trước thềm kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, như: chi trả chi phí điều trị nội trú còn chưa phù hợp; vấn đề lừa đảo qua mạng; chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng chưa phù hợp thực tiễn; nâng mức khoán bảo vệ rừng; trách nhiệm của nhà mạng trong quản lý sim rác; kéo dài thời gian phục vụ một số cấp trong quân đội
Ngoài ra, cử tri tỉnh Bình Định cho rằng: Thị trường vàng đang có những biến động rất lớn, Chính phủ cần làm rõ vai trò quản lý để giá vàng không “nhảy múa”; nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân… Bên cạnh đó, theo cử tri tỉnh Bình Định, hiện nay việc giải ngân đối với gói tín dụng (120.000 tỷ đồng) về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư còn gặp nhiều khó khăn, vì thời hạn vay ưu đãi ngắn (đối với người mua nhà 5 năm, chủ đầu tư dự án 3 năm), lãi suất còn cao (chỉ thấp hơn từ 1,5 - 2%/năm so với lãi suất vay thông thường). Cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu, hạ lãi suất, kéo dài thời hạn cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua và doanh nghiệp được tiếp cận…
Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều những cuộc tiếp xúc cử tri được các đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương tổ chức trước thềm kỳ họp thứ 7; chỉ là một số trong rất nhiều kỳ vọng cử tri gửi gắm tới nghị trường lần này.
Những cuộc tiếp xúc cử tri, những báo cáo ghi nhận phản ánh kiến nghị của cử tri là thực sự cần thiết để Quốc hội ta ngày càng gần dân, sát thực tiễn như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nêu rõ: “Tại sao trước mỗi kỳ họp chúng ta phải tiếp xúc cử tri tiếp đó, sau kỳ họp phải báo cáo kết quả xin ý kiến cử tri mục đích là để cử tri đóng góp tới Quốc hội, Quốc hội xem xét luật pháp đã phản ánh đúng nguyện vọng của cử tri chưa và triển khai thực hiện có đúng đường lối của Đảng Nhà nước hay không. Tôi cho rằng cử tri và nhân dân có vai trò quan trọng trong hoạt động giám sát, kiểm tra, đây là điều cơ bản và tất cả được quy định bởi pháp luật. Ý kiến của Nhân dân là quan trọng lắm vì dân là người trực tiếp thụ hưởng và hiểu tất cả”.
3. “Ý kiến của Nhân dân là quan trọng”. Vì thế, trách nhiệm lớn nhất của mỗi kỳ họp Quốc hội, và kỳ họp thứ 7 sắp tới cũng không là ngoại lệ là nỗ lực hết sức để cùng biến những mong muốn, kỳ vọng chính đáng của cử tri, của nhân dân trở thành hiện thực.
Trở lại những nội dung căn cốt tại kỳ họp thứ 7 lần này. Đó đều là những vấn đề sát với thực tiễn đời sống dân sinh rất được người dân quan tâm và đang có nhiều ý kiến khác nhau. Đơn cử như việc xem xét thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trong bối cảnh có ý kiến đề nghị cân nhắc thời điểm thông qua dự thảo Luật này do chính sách bảo hiểm xã hội là chính sách đi sau cải cách tiền lương (cải cách tiền lương sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2024).
Bên cạnh đó là nhiều vấn đề đang rất “nóng” trong dư luận như vấn đề về an toàn lao động; Tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ cho sản xuất tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ; Tình hình giông lốc gây thiệt hại cho Nhân dân ở các tỉnh: Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hoà Bình; Các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn diễn ra; Vấn đề an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tại một số tỉnh; Thông tin nhiễu loạn xấu độc chống phá trên không gian mạng, lừa đảo trên mạng xã hội kéo dài từ nhiều năm…
Làm thế nào để có được những quyết sách trúng, đúng, hợp lòng dân không hề là nhiệm vụ dễ dàng của Quốc hội nói chung, kỳ họp thứ 7 lần này nói riêng. Nhưng, như nhắc nhớ của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội hồi tháng 10/2023: Trước các kỳ họp, đại biểu Quốc hội tiến hành tiếp xúc cử tri, báo cáo nội dung chương trình và tiếp thu ý kiến góp ý của cử tri để tổ chức kỳ họp thành công. Nội dung, kết quả kỳ họp phải thể chế hóa chủ trương của Đảng, từ đó thấm vào trong từng người dân, giúp cho “ý Đảng” luôn luôn quyện với “lòng dân”.
Theo Công luận