Trả lời:
Xuất phát từ sứ mệnh của Quốc hội Việt Nam ngay từ khi được thành lập (năm 1946) và thông qua các hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử đã khẳng định Quốc hội Việt Nam là Quốc hội dân chủ, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Các nội dung được Quốc hội thảo luận và thông qua đều hướng đến mục tiêu bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân.
Cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân
Theo quy định của Điều 69 Hiến pháp năm 2013: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Quy định này xác định bản chất của Quốc hội được được thể hiện trên hai phương diện:
- Là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, do Nhân dân cả nước bầu ra theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội; đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích của Nhân dân cả nước, chịu trách nhiệm trước Nhân dân cả nước về việc thực hiện quyền lực do Nhân dân ủy quyền.
- Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội là một thiết chế quyền lực trung tâm của bộ máy nhà nước, được Nhân dân giao phó những thẩm quyền trọng yếu: lập hiến và lập pháp; quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước và quyền giám sát tối cao.
Sự công khai và minh bạch
Những nội dung, các ý kiến tham gia thảo luận và đóng góp tại các phiên họp của Quốc hội đều được công bố công khai, minh bạch bằng nhiều hình thức, đặc biệt, những phiên họp liên quan tới các vấn đề lớn của đất nước đều được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri, Nhân dân theo dõi, giám sát. Tất nhiên, phải thống nhất rằng những nội dung thuộc bí mật quốc gia cần có sự kiểm soát nhất định.
Dân chủ và biểu quyết
Mọi vấn đề đưa ra nghị trường đều được Quốc hội thảo luận, tranh luận một cách dân chủ, thẳng thắn. Tính dân chủ thể hiện rõ trong việc các ý kiến dù đồng tình hay phản bác đều được trân trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ và Quốc hội chỉ quyết định theo đa số, theo ý nguyện của cử tri và Nhân dân.
Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức họp trực tuyến do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đã nhận được sự đánh giá rất tích cực khi việc đăng ký phát biểu, phát biểu thông qua phần mềm rất thuận tiện, dường như không có khoảng cách giữa các đại biểu, quyền chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội vẫn được thực hiện bằng cách gửi văn bản tới các bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Phương thức mới trong hoạt động của Quốc hội phù hợp với điều kiện thực tiễn đã mở ra cơ hội đổi mới trong phương thức tổ chức hoạt động của Quốc hội, đồng thời khẳng định thêm sự công khai, minh bạch, dân chủ trong các phiên họp của Quốc hội.
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Tất cả các nội dung được Quốc hội thảo luận và thông qua đều thuộc phạm vi chức năng và quyền hạn của Quốc hội theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, hoạt động của Quốc hội luôn bảo đảm có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội tuân theo quy luật chung của sự lãnh đạo đối với Nhà nước với 3 thẩm quyền cơ bản: (i) Xây dựng và quyết định đường lối chính trị cho sự phát triển của đất nước; quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia; (ii) Đảng giới thiệu các đảng viên ưu tú đủ tiêu chuẩn để Nhân dân lựa chọn bầu vào các cơ quan đại diện và quyền lực nhà nước; giới thiệu để các cơ quan nhà nước bầu hoặc bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo; (iii) Thực hiện việc kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên và các cơ quan nhà nước, các đoàn thể quần chúng trong việc thực hiện đường lối chính sách của Đảng.
Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, có sự gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân và chịu trách nhiệm trước Nhân dân về quyết định của mình (Điều 4, Hiến pháp 2013). Vì vậy, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với các hoạt động của Quốc hội cũng là nhằm bảo đảm mục tiêu phục vụ cho lợi ích của Nhân dân.
Linh Giang