Câu hỏi: Xin cho biết nội dung cơ bản của Quy định mới về việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống Chính trị.
Trả lời
Ngày 04/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 124-QĐ/TW về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; áp dụng cho các đối tượng là cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý, tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Quy định này gồm 4 chương, 19 điều, thay thế Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 08/3/2018 của Bộ Chính trị về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại hằng năm đối với các tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; có hiệu lực từ ngày ký, tức là ngày 04/10/2023. Quy định gồm những nội dung chính sau:
Quan điểm, nguyên tắc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị được quy định trong Điều 3, cụ thể: Một là, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, đúng thẩm quyền, trách nhiệm. Hai là, chú trọng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trách nhiệm, phương pháp trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là hiệu quả công việc. Gắn trách nhiệm cá nhân với tập thể; gắn kết quả của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý với kết quả của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện thống nhất, đồng bộ trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Ba là, kết hợp chặt chẽ kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên.
Đối tượng kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm được quy định tại Điều 5, gồm:
(1). Tập thể
(1.1). Các cấp ủy, tổ chức đảng:
a) Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.
b) Ban thường vụ đảng ủy trực thuộc Trung ương; ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện; ban thường vụ đảng ủy cấp trên cơ sở các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương và địa phương (bao gồm cả ban thường vụ cấp ủy cơ sở được giao quyền hoặc thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở) và ban thường vụ cấp ủy ở cơ sở (nơi không có ban thường vụ thì kiểm điểm ban chấp hành).
c) Đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương và địa phương.
(1.2). Tập thể lãnh đạo, quản lý:
a) Tập thể lãnh đạo, quản lý các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng ở Trung ương và địa phương; tập thể lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
b) Tập thể thường trực Hội đồng Dân tộc, thường trực các Ủy ban của Quốc hội, tập thể lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
c) Tập thể lãnh đạo, quản lý các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các đơn vị trực thuộc; tập thể lãnh đạo, quản lý ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước (do cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương hướng dẫn theo thẩm quyền).
(2). Cá nhân
(2.1). Đảng viên trong toàn Đảng (trừ đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng; đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng; đảng viên mới kết nạp chưa đủ 6 tháng).
(2.2). Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Nội dung kiểm điểm được quy định rõ trong Điều 6 là: làm rõ những kết quả đạt được, khuyết điểm, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, giải pháp và thời gian khắc phục đối với từng loại đối tượng. Cụ thể:
(1). Đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý tập trung kiểm điểm, đánh giá, xếp loại các nội dung: (1.1). Việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện quy chế làm việc. (1.2). Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong nghị quyết đại hội, kế hoạch, chương trình công tác năm được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt. (1.3). Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; năng lực, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, quản lý; trách nhiệm nêu gương; trách nhiệm giải trình; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân. (1.4). Trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, quản lý trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị. (1.5). Những vấn đề được gợi ý kiểm điểm; việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được cấp có thẩm quyền kết luận và được chỉ ra ở kỳ kiểm điểm trước (nếu có).
(2). Đối với cá nhân
(2.1). Cá nhân không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tập trung kiểm điểm: a) Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm nêu gương, việc thực hiện những điều đảng viên không được làm; tác phong, lề lối làm việc. Liên hệ các biểu hiện về suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". b) Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm. c) Việc thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm. d) Những vấn đề được gợi ý kiểm điểm; việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được cấp có thẩm quyền kết luận và được chỉ ra ở kỳ kiểm điểm trước (nếu có).
(2.2). Cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tập trung kiểm điểm các nội dung tại Điểm 2.1 và các nội dung sau: (2.2.1.) Kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; thực hiện chức trách, nhiệm vụ; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý; khả năng quy tụ, xây dựng đoàn kết nội bộ. (2.2.2.) Trách nhiệm trong công việc; tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm trong thực hiện nhiệm vụ. (2.2.3.) Trách nhiệm nêu gương của bản thân và gia đình; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên.
2.3. Ngoài những nội dung trên, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, cá nhân phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm khi có dấu hiệu vi phạm; để xảy ra những vấn đề bức xúc, phức tạp, dư luận quan tâm; có đơn, thư khiếu nại, tố cáo; biểu hiện mất đoàn kết nội bộ; vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng; biểu hiện "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; có tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý bị kỷ luật, khởi tố; trì trệ, yếu kém, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Cách thức kiểm điểm được quy định rõ tại Điều 7:
Một là, chuẩn bị kiểm điểm: (1) Người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị báo cáo kiểm điểm tập thể và lấy ý kiến tham gia, góp ý của các tập thể, cá nhân có liên quan. (2) Cá nhân chuẩn bị bản tự kiểm điểm theo nội dung quy định. (3) Cấp trên gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân theo phân cấp quản lý khi cần thiết.
Hai là, nơi kiểm điểm, Quy định nêu rõ: (1). Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý ở cấp nào thì thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở cấp đó. (2) Đảng viên kiểm điểm ở chi bộ nơi sinh hoạt. (3) Cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ bản thực hiện kiểm điểm ở 2 nơi (ở chi bộ nơi sinh hoạt và tập thể lãnh đạo, quản lý nơi làm việc); đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên tại chi bộ, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ở nơi giữ chức vụ cao nhất. Đối với những cán bộ giữ nhiều chức vụ lãnh đạo, quản lý ngoài kiểm điểm ở 2 nơi trên còn phải kiểm điểm thêm ở nơi khác theo quy định.
Ba là, trình tự kiểm điểm: (1). Đối với kiểm điểm tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý: Kiểm điểm tập thể trước, cá nhân sau; người đứng đầu trước, cấp phó và các thành viên sau; tập thể lãnh đạo, quản lý của chính quyền, chuyên môn, đoàn thể trước, cấp ủy, tổ chức đảng sau. (2) Đối với đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Kiểm điểm ở chi bộ trước, ở tập thể lãnh đạo, quản lý sau.
Trách nhiệm, thẩm quyền trong kiểm điểm được quy định rõ trong Điều 8:
Một là, đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu: (1). Lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm điểm hằng năm tại địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị mình phụ trách. (2). Yêu cầu bổ sung các nội dung kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý khi cần thiết. (3). Chỉ đạo xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, yếu kém, khuyết điểm sau kiểm điểm.
Hai là, đối với cá nhân: (1) Phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, nêu cao trách nhiệm, sự gương mẫu trong kiểm điểm. (2) Kiểm điểm trung thực, thẳng thắn, khách quan, thực chất các nội dung theo quy định. (3) Cấp ủy cấp trên trực tiếp có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thẩm định kết quả kiểm điểm của cấp dưới theo phân cấp quản lý cán bộ; kịp thời gợi ý kiểm điểm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan; yêu cầu cấp dưới kiểm điểm lại khi chưa bảo đảm nội dung yêu cầu theo quy định.
Khung tiêu chí đánh giá được quy định rõ trong Điều 10. Cụ thể:
(1). Đối với tập thể
(1.1). Các tiêu chí về xây dựng tập thể, gồm: a) Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; củng cố, xây dựng tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. b) Năng lực lãnh đạo của cấp ủy; công tác lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; các mối quan hệ công tác. c) Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kỷ luật; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". d) Việc thực hiện nguyên tắc tổ chức hoạt động, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; thực hiện các quy định, quy chế, nội quy và chế độ làm việc. đ) Công tác phối hợp giữa cấp ủy và tập thể lãnh đạo; việc xây dựng đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. e) Trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, quản lý trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; công tác cán bộ, xây dựng tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách hành chính và xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
1.2. Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trong năm, gồm: a) Việc cụ thể hoá, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác năm. b) Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được đề ra theo nghị quyết đại hội hoặc chương trình, kế hoạch công tác do cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị (lượng hóa bằng sản phẩm cụ thể). c) Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng các tập thể, cá nhân có liên quan trực tiếp; các chỉ số đánh giá, xếp hạng đối với địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị (nếu có).
1.3. Kết quả khắc phục hạn chế, yếu kém, khuyết điểm đã được chỉ ra.
2. Đối với cá nhân
2.1. Các tiêu chí về chính trị tư tưởng; phẩm chất đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; giữ gìn đoàn kết nội bộ; chấp hành sự phân công của tổ chức; thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm, tác phong, lề lối, phương pháp làm việc; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; mức độ thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm.
2.2. Các tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong năm (lượng hóa bằng sản phẩm cụ thể); năng lực, uy tín; trách nhiệm nêu gương, sự gương mẫu của bản thân và người có quan hệ gia đình; giữ mối liên hệ mật thiết, gắn bó với quần chúng nhân dân.
2.3. Kết quả khắc phục hạn chế, yếu kém, khuyết điểm đã được chỉ ra.
3. Đối với cá nhân là cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý: Đánh giá theo tiêu chí chức danh trong Quy định của Bộ Chính trị và phân cấp quản lý cán bộ (còn tiếp)./.
Dung Nguyễn