Với 3 chương và 11 điều, bộ quy tắc này đưa ra khá nhiều chỉ dẫn về ứng xử của nghệ sĩ đối với đồng nghiệp, với công chúng, ứng xử trên mạng xã hội… Trong đó, có thể kể ra như: người làm nghệ thuật phải giữ gìn danh hiệu, hình ảnh; trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm đúng đắn, khách quan; chọn lựa sử dụng trang phục, hóa trang phù hợp với mục đích, nội dung hoạt động nghệ thuật...
Đặc biệt, bộ quy tắc chỉ rõ, người hoạt động nghệ thuật khi tham gia các hoạt động xã hội như làm từ thiện cần công khai, minh bạch kịp thời các hoạt động, không lợi dụng danh hiệu, hình ảnh, niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức…
Về quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và không gian mạng, cá nhân nghệ sĩ sử dụng tài khoản mạng xã hội để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có lợi ích cho xã hội và đất nước; các bình luận, nhận xét phải chuẩn mực, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm.
Quay trở lại với “nguồn cơn” khiến cơ quan quản lý nhà nước phải bắt tay soạn thảo bộ quy tắc, có lẽ là do đã xảy ra nhiều vụ việc “lùm xùm” liên quan tới nghệ sĩ, như thông tin sai sự thật, quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, chia sẻ hình ảnh phản cảm, lối sống buông thả, phát ngôn thiếu chính xác trên mạng xã hội, rồi cả những việc lớn hơn như chậm trễ, không minh bạch trong việc kêu gọi từ thiện... gây ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Còn trong dư luận xã hội, nhiều người cho rằng, người nổi tiếng, nghệ sĩ nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ công chúng, hành vi lệch chuẩn của họ có tác động tiêu cực nhiều hơn so với các nhóm đối tượng xã hội khác, bởi vậy việc định hướng đúng, đưa ra những quy tắc ứng xử chuẩn mực sẽ khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực…
Về lý thuyết, việc có thêm những quy chuẩn để mọi người có thể tự điều chỉnh mình sống tốt hơn, văn minh và có trách nhiệm hơn là đáng quý, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nghệ sĩ đâu phải là con trẻ, vì thế việc buộc họ phải điều chỉnh hành vi theo chuẩn có thể họ sẽ chạnh lòng. Điều này cũng dễ hiểu, bởi những người nổi tiếng, nghệ sĩ, “ngôi sao” là những người sống với công chúng, sống nhờ công chúng, nên hơn ai hết, họ nhận thức rõ vị trí, sự ảnh hưởng của mình để có sự điều chỉnh hành vi phù hợp; văn hóa ứng xử của mỗi người được hình thành từ nền tảng giáo dục và những tri thức, phông nền văn hóa được tích lũy từ nhiều năm rèn luyện, tu dưỡng của họ.
Chỉ mang tính hướng dẫn và không đưa ra những biện pháp trừng phạt mạnh tay như “cấm sóng” hay “bay màu” trên mạng xã hội, song bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ ra đời vào thời điểm này, cũng giống như một hồi chuông cảnh tỉnh để những người đang mơ hồ trong hào quang, ảo tưởng bởi sức mạnh thần tượng tự điều chỉnh hành vi, lối sống. Mọi sai lầm đều phải trả giá và với người nổi tiếng, người sống trong lòng công chúng, cái giá phải trả sẽ “đắt” hơn nhiều lần. Sai lầm, vấp ngã có khi lại chính là thử thách và chúng ta đều tin rằng, việc nhận ra lầm lạc để sửa sai sẽ giúp nghệ sĩ vững vàng, trưởng thành hơn.
Nguồn SGGP