Những câu chuyện ồn ào liên quan đến nghệ sĩ như quảng cáo sai sự thật, phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội, hay những lùm xùm về việc làm từ thiện, những màn livestream "bóc phốt", những màn cãi nhau nảy lửa trên sóng truyền hình… trong thời gian qua khiến showbiz Việt thêm phần nhốn nháo.
Khán giả thích "hóng" drama (chuyện dài nhiều tập như phim truyền hình) của nghệ sĩ thì xem đây là chuyện vui để bình luận, làm mạng xã hội càng thêm rôm rả. Khán giả chân chính, yêu nghệ thuật thì ngán ngẩm, mong muốn nghệ sĩ phải học lại cách ứng xử văn hóa.
Thực ra, showbiz Việt từ lâu đã không thiếu drama, nhưng chưa bao giờ nhiều câu chuyện xàm xí lại dấy lên liên tiếp và gây ồn ào như thế. Sự tự do thái quá trên môi trường mạng khiến không ít người nổi tiếng có hành xử thiếu văn hóa, phát ngôn thiếu cẩn trọng, làm ảnh hưởng đến giới nghệ sĩ nói chung và tác động tiêu cực đến công chúng trẻ. Quá nhiều danh xưng "ông hoàng", "nữ hoàng", "hoàng tử", "công chúa"… đang nghiễm nhiên tồn tại, càng làm đảo lộn những giá trị nghệ thuật đích thực. Câu hỏi đặt ra là làm sao để chấm dứt những hành vi "lệch chuẩn" của nghệ sĩ; làm sao để tạo "hệ sinh thái" cho môi trường nghệ thuật nước nhà.
Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vừa chính thức được Bộ VHTTDL ban hành, là giải pháp điều chỉnh hành vi của những người làm nghệ thuật (bao gồm cả hoạt động tự do và biên chế ở các đơn vị nghệ thuật) theo tinh thần "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu".
Quy tắc nêu đúng những điều mà công chúng mong mỏi như: "Trân trọng các thế hệ nghệ sĩ đi trước trong việc trao truyền những giá trị văn hóa, tinh hoa nghề nghiệp cho các thế hệ người hoạt động nghệ thuật; tôn trọng, bảo vệ uy tín của đồng nghiệp trước công chúng, khán giả và xã hội" (Quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp); "Ứng xử chân thành, đúng mực, thân thiện và xây dựng hình ảnh đẹp của người hoạt động nghệ thuật với công chúng, khán giả. Không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức" (Quy tắc ứng xử đối với công chúng, khán giả); "Không sử dụng từ ngữ gây mâu thuẫn, xung đột, phân biệt vùng, miền, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo; không sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục" (Quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và không gian mạng)…
Đây không chỉ là lời nhắc nhở nghệ sĩ chỉn chu hơn trong lời ăn, tiếng nói, chấm dứt những hành vi "lệch chuẩn"; đồng thời cũng là một "bản cam kết", là bộ khung, tiêu chuẩn để nghệ sĩ ứng xử có văn hóa trong môi trường lẽ ra phải rất… văn hóa.
Đây là bản quy tắc tập hợp các hướng dẫn giới nghệ sĩ thực hiện, chứ không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không có điều khoản xử phạt, cấm sóng đối với nghệ sĩ. Vậy thì liệu quy tắc ứng xử có đủ sức mạnh để chấn chỉnh đời sống giải trí hiện nay hay không là điều mà một số người đặt ra. Tuy nhiên, có thể thấy quy tắc ứng xử cho giới nghệ sĩ là một cách "chấn chỉnh" cần thiết, phù hợp với những người hoạt động nghệ thuật. Nếu nghệ sĩ không tự giác thực hiện "bản cam kết" này thì tự thân họ đã tách khỏi môi trường nghệ thuật và công chúng hoàn toàn có quyền "quay lưng" với họ.
Hoạt động nghệ thuật là nghề có tính đặc thù, đòi hỏi sự sáng tạo của người nghệ sĩ, cùng với đó là tính tương tác rất cao giữa nghệ sĩ và khán giả, bởi công chúng chính là đối tượng mà nghệ thuật hướng đến. Nghệ sĩ là người có tầm ảnh hưởng đến công chúng, vì vậy vấn đề đạo đức, ứng xử của người nghệ sĩ đặt ra hàng đầu là rất cần thiết. Có tài mà không có đức chỉ là người vô dụng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.
Nhìn nhận thực tế thì rõ ràng, trong lúc Đảng, Chính phủ và Nhà nước quan tâm đầu tư cho văn hóa với quan điểm "văn hóa soi đường cho quốc dân đi", Quy tắc ứng xử nói trên lần đầu tiên được viết bằng giấy trắng mực đen là một động thái tích cực, thể hiện quyết tâm của các nhà quản lý trong việc làm trong sạch môi trường văn hóa.
Nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Vì vậy, nghệ sĩ cần phải ý thức sâu sắc về sứ mệnh, thiên chức của mình và nhất thiết phải xứng đáng với hai tiếng "nghệ sĩ" trước công chúng, đã là nghệ sĩ thì phải chuẩn mực. Không thể trong môi trường văn hóa mà lại có những phát ngôn tục tĩu, chửi bới nhau trên mạng xã hội, người này nói qua - người kia đáp lại, đăng tin giả/tin sai lệch, hay dùng scandal để nổi tiếng…
Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021 đề cập việc xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam; "xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc". Khi văn hóa được xem là nền tảng tinh thần, động lực phát triển bền vững đất nước, thì càng cần phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, càng phải thúc đẩy nền nghệ thuật nước nhà phát triển. Để làm được như vậy, tài năng và phẩm chất của người nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng.
Vì vậy, một hệ quy chiếu về ứng xử, về những chuẩn mực đạo đức phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc được hình thành là hết sức cần thiết. Quy tắc ứng xử nghệ sĩ ra đời chẳng những đáp ứng được yêu cầu đặt ra của chính giới nghệ sĩ mà còn đáp ứng yêu cầu công chúng và cuộc sống.
Chính vì vậy, Quy tắc ứng xử có thể được xem là một cam kết của nghệ sĩ đối với công chúng và có "sức mạnh mềm" buộc nghệ sĩ phải làm đúng những cam kết đó. Hình ảnh người nghệ sĩ trong sáng và chuẩn mực, cùng với tài năng và sự khổ luyện sẽ góp phần nâng cao giá trị của chính người nghệ sĩ.
Theo Tổ quốc