Hỏi: Đề nghị Ban Biên tập VNTV cho biết quy trình luân chuyển cán bộ hiện nay?
Trả lời:
Công tác cán bộ có vị trí quan trọng hàng đầu, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, có hiệu quả nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được giao. Trong công tác cán bộ thì công tác luân chuyển cán bộ có vai trò rất quan trọng, góp phần vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, mạnh về chất lượng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”(1).
Ảnh minh họa: Nguồn ảnh: Internet
Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ, những năm qua, Bộ Chính trị các khóa đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định, quyết định, kết luận về luân chuyển cán bộ như: Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý; Kết luận số 24-KL/TW, ngày 05/6/2012 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 07/10/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. Mới đây nhất, ngày 28/4/2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 65-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ. Tại khoản 2, Điều 7, Quy định số 65-QĐ/TW nêu rõ năm bước thực hiện quy trình luân chuyển cán bộ bao gồm:
Bước 1: Căn cứ vào nhu cầu luân chuyển cán bộ, cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch luân chuyển trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương.
Bước 2: Căn cứ chủ trương của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trao đổi với các địa phương, cơ quan, đơn vị để đề xuất nhân sự luân chuyển.
Bước 3: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ tổng hợp đề xuất của các địa phương, cơ quan, đơn vị và tiến hành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự luân chuyển; lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển.
Bước 4: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, trao đổi với cơ quan nơi đi, cơ quan nơi đến về dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự luân chuyển; tổng hợp kết quả thẩm định và trao đổi với cán bộ dự kiến luân chuyển. Tổ chức gặp gỡ cán bộ được luân chuyển để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển; đồng thời, nắm tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ luân chuyển.
Bước 5: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện (công bố quyết định, chỉ đạo bầu cử và các công việc cần thiết khác)
Hải Hà
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.114.
(Trích: "Ban Chấp hành Trung ương: Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 về luân chuyển cán bộ")