.
(Báo Quảng Ngãi)- “Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em” được Liên Hợp quốc thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết số 44-25 ngày 20.11.1989 của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc (Việt Nam phê chuẩn ngày 20.2.1990).
Điều 31 Công ước này quy định: 1. Các Quốc gia thành viên thừa nhận quyền của trẻ em được nghỉ ngơi và thư giãn, được tham gia vui chơi và những hoạt động giải trí và được tự do tham gia các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi. 2. Các Quốc gia thành viên phải tôn trọng và thúc đẩy quyền của trẻ em được tham gia đầy đủ vào sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật và sẽ khuyến khích việc dành cho trẻ em những cơ hội bình đẳng, thích hợp trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí và thư giãn.
Không phải tất cả các trẻ em Việt Nam đều có điều kiện tham gia vào các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật, nhưng đa số trẻ em Việt Nam có thể “được nghỉ ngơi và thư giãn, được tham gia vui chơi và những hoạt động giải trí” như Công ước của Liên Hợp quốc quy định. Bởi vì trẻ em muốn phát triển bình thường phải được hưởng những quyền đó.
Bây giờ chúng ta thử nhìn lại, trẻ em Việt Nam tới độ tuổi đi học lớp 1 đã được “nghỉ ngơi, vui chơi và thư giãn” như thế nào?
Không ai cấm trẻ em chúng ta được hưởng những quyền ấy, nhưng trong thực tế, do chương trình học, do sách giáo khoa đặt ra quá nhiều những yêu cầu, quá nhiều những kỳ vọng, trong đó có những kỳ vọng rất “kỳ cục” vào trẻ em, nên ngay từ khi bước chân vào lớp 1, các em đã phải “học thêm, học bớt” rất nhiều, phải hoàn thành bài vở rất vất vả. Những hoạt động ấy chiếm quá nhiều thời gian của các em, thì làm gì còn thời gian để các em vui chơi và thư giãn nữa.
Quyền được chơi của trẻ em, phải trở thành quyền bất khả xâm phạm, vì ở độ tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”, các em phải được vui chơi để được phát triển bình thường, cả tâm lý, sinh lý, cả tinh thần và thể chất.
Trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, bà Phạm Thị Minh Hiền (đại biểu Quốc hội đơn vị Phú Yên), đã thẳng thắn nêu rõ: “sự cố xã hội hóa sách giáo khoa thời gian vừa qua là bài học cay đắng, xương máu cho các nhà quản lý giáo dục. Điều đáng nói là, khi xã hội đã thấy rõ những hậu quả mà nhiều học sinh và gia đình đang phải đối mặt thì vấn đề cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm này lại chưa rõ ràng”.
Xã hội hóa sách giáo khoa là một chuyện, ở đây không bàn tới, nhưng nội dung sách giáo khoa “xã hội hóa” như thế nào, mới là chuyện đáng bàn, đáng quan tâm. Nếu sách giáo khoa lớp 1 có tiêu đề: Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, thì tôi không hiểu, giáo viên sẽ dạy học sinh lớp 1 những gì và như thế nào. Đó thực sự là những chủ đề mang tính đánh đố và làm thế nào để “Phát triển năng lực”, làm thế nào để “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”, thật khó nghĩ.
Có thể vì bị dư luận phản đối quá, mà hai bộ sách giáo khoa này bị “xóa sổ” một cách nhanh chóng hơn cả khi xuất hiện và lại đẩy giáo viên và nhà trường vào thế không biết phải giải quyết như thế nào. Có lẽ phản biện của đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền là ở chỗ đó.
Vậy thì, quyền được chơi của trẻ em sẽ được thực thi như thế nào? Trẻ em, muốn sau này có thể sáng tạo, thì từ nhỏ phải được thoải mái, phải được chơi, trước khi được học và trong học phải có chơi, chứ không phải cứ cắm đầu cắm cổ học, mà không biết, học để làm gì. Chẳng lẽ, chỉ học để cha mẹ hài lòng rồi khoe với nhau, để cô giáo và nhà trường có thành tích báo cáo?
Hãy để trẻ em được chơi, rồi chúng sẽ học, sẽ sáng tạo, sẽ làm tất cả những gì chúng ta kỳ vọng, khi chúng đã bắt đầu trưởng thành. Vì với trẻ em, chơi chính là cách học tốt nhất./.
Theo Báo Quảng Ngãi