Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ (9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh chính sách "tín ngưỡng tự do và Lương, Giáo đoàn kết". Tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục thực hiện trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Đặc biệt, chính sách tôn trọng và bảo vệ quyền tự do thờ cúng và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo đã được thể hiện xuyên suốt trong tất cả các bản Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ.
Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khẳng định: “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái, trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”; hay: “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”.
Hiến pháp năm 1959 tiếp tục được tái khẳng định và mở rộng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, công dân không chỉ có quyền “theo tôn giáo” mà còn có quyền “không theo một tôn giáo nào”. “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” (Điều 26).
Hiến pháp năm 1980 tiếp tục ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời quy định chặt chẽ hơn nội dung phòng ngừa lợi dụng tôn giáo để làm những điều trái pháp luật, chống phá cách mạng…. “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước” (Điều 68).
Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân trong thời kỳ đổi mới, trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình và yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước. Điều 70 Hiến pháp năm 1992 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.
Hiến pháp 2013 hiến định một cách toàn diện hơn các quyền chính trị, dân sự của người dân; trong đó quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thể hiện khá toàn diện và đầy đủ, đảm bảo dân chủ, tôn trọng và tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người được thực hành tín ngưỡng và tôn giáo của mình. Điều 24 Hiến pháp 2013 nêu rõ: "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Các bộ luật như: Luật Dân sự, Luật Tố tụng Hình sự, Luật Đất đai, Luật Giáo dục... đều có các điều khoản quy định nguyên tắc không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Điều 164 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định về tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân và người vi phạm có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến một năm.
Ngày 18-11-2016, Quốc hội đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó quy định rõ: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo. Có thể nói, các văn bản pháp luật trên lĩnh vực này khá hoàn thiện, nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và thể chế hóa chủ trương, chính sách của Nhà nước về tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phù hợp với với các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia /.
TĐ