Những ngày qua, trên báo BR-VT, người ta đọc thấy những “chia sẻ ngậm ngùi” của chủ các DN, tàu cá, nông dân, tiểu thương… sau khi cơn “bão giá” quét qua cuộc sống. Không thể không lo lắng khi hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã tăng đến hơn 40%. so với cùng kỳ năm trước.
Chất lượng bữa ăn gia đình công nhân, lao động nghèo giảm sút thấy rõ. “Đi chợ cứ như đánh rơi tiền”. Điều đó buộc người tiêu dùng (NTD) phải cắt giảm, thắt chặt nhiều khoản chi tiêu. Nhiều người đã từ bỏ thói quen tiêu dùng cũ, điều chỉnh theo hướng tiết kiệm hơn bằng việc hạn chế tối đa việc đi lại bằng ô tô, xe máy. Một bộ phận chuyển sang đi xe đạp và các phương tiện giao thông công cộng để giảm thiểu chi tiêu. Trong khi đó, những người sản xuất hoặc làm dịch vụ cũng tính tới các biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm để có thể trụ lại trước thị trường. Khả năng thích ứng và tinh thần vượt khó rõ ràng là phẩm chất quan trọng, cần thiết nhất của nhà sản xuất lẫn NTD trước những cơn “bão giá”.
Tuần qua, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu. Nếu được thông qua, chúng ta sẽ điều hành xăng dầu theo giá cơ sở mới từ tháng 1/4/2022. Giải pháp này được kỳ vọng sẽ giúp giá bán lẻ xăng dầu trong nước ổn định hơn, kìm chế được nguy cơ hàng hóa tăng giá mạnh.
Trước sức nóng của thị trường, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, diễn biến thực tế để có các biện pháp điều hành giá khả thi, hiệu quả. Tinh thần là phải kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu. Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương đánh giá đúng tình hình để bảo đảm đủ nguồn cung đối với từng mặt hàng cụ thể. “Không để xảy ra tình trạng, nguồn cung không thiếu, nhưng cung cấp hàng hóa ra thị trường không kịp thời dẫn đến giá cả biến động, dư luận phản ứng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Giá xăng dầu trong nước liên tục lập đỉnh là điều khó tránh trong bối cảnh phụ thuộc vào thị trường thế giới. Nhưng không vì thế mà lấy cớ để tăng giá các loại hàng hóa, dịch vụ một cách bất hợp lý. Mong muốn lớn nhất của NTD hiện nay là các bộ ngành chức năng thực hiện quyết liệt các biện pháp về điều hành giá, bình ổn thị trường, không để ảnh hưởng xấu tới cuộc sống người dân. Phải nhấn mạnh điều này bởi trong quá khứ đã xảy ra tình trạng “tát nước theo mưa”khi xăng dầu tăng giá sốc, không ít DN bán lẻ, tiểu thương các chợ tìm cách găm hàng, đẩy giá, tạo cơn sốt giả nhằm trục lợi. Gần đây nhất là việc nhiều cây xăng trong cả nước“bất ngờ” đóng cửa, treo biển hết hàng, gây thiệt hại cho NTD, làm thị trường xăng dầu trong nước thêm căng thẳng.
Nhiều chuyên gia dự báo, kỳ điều hành hôm nay 21/3 giá xăng dầu có thể giảm mạnh. Cùng với đó, yếu tố hỗ trợ giá trong nước thông qua việc đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường 2. 000 đồng với mỗi lít xăng sẽ giúp mặt hàng đặc biệt này hạ nhiệt. Tuy vậy, giá hàng hoá trên thị trường có giảm tương ứng theo giá xăng dầu hay không lại là chuyện khác. Nhiều lần trước đây, mặc dù giá xăng dầu đã giảm sâu nhưng giá cước vận tải không giảm theo, giá hàng hóa tiêu dùng cũng không chịu xuống khiến NTD vất vả tính toán chi tiêu hàng ngày.
Nhắc lại những “bài học cũ” để thấy rằng, NTD vẫn rất cần chương trình bình ổn giá của Chính phủ, khả năng quản lý, điều hành giá của các bộ ngành chức năng. Thị trường, giá cả sẽ ổn định chỉ khi những giải pháp cấp bách được triển khai;các mục tiêu, định hướng đề ra được chuyển hóa thành các giải pháp, hành động cụ thể. Trong đó, sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng quản lý thị trường được kỳ vọng sẽ ngăn chặn kịp thời hành vi lợi dụng tình hình để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường và ảnh hưởng bất lợi đến cuộc sống của người dân.