Rabindranath Tagore (1861-1941) được xem là nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại của văn học Ấn Độ. Suốt cuộc đời, Rabindranath Tagore đã cất lên những bài đạo ca để tôn vinh, tỏ lòng sùng kính đối với con người. Những sáng tác của ông luôn xuất phát từ lòng yêu thương con người, bằng tình yêu con người nồng nàn ông đã cố gắng hiểu và bày tỏ những quan niệm của mình về con người. Rabindranath Tagore không chỉ là đại diện văn hóa tiêu biểu của Ấn Độ, ông còn là nhà thơ châu Á đầu tiên được trao giải Nobel Văn học vào năm 1913, là bậc kỳ tài đã để lại cho nhân loại một khối lượng tác phẩm đồ sộ và phong phú.
Rabindranath Tagore là ngôi sao sáng của nền phục hưng Ấn Độ, được coi như mặt trời của Ấn Độ, là nhà khai sáng vĩ đại và “đỉnh cao của văn hóa nhân loại”. Qua sáng tác của mình, ông lên án xã hội với những quan niệm lạc hậu, sự phân biệt đẳng cấp, sự bất công và áp bức, bóc lột của thực dân đã khiến cho nhân dân Ấn Độ phải chịu nhiều đau khổ. Đồng thời, thể hiện rõ tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, lòng yêu thiên nhiên, đất nước và con người Ấn Độ, lòng yêu nhân loại, yêu hòa bình và tinh thần chống phong kiến thực dân đế quốc, chống chiến tranh.
Rabindranath Tagore là nhà thơ Châu Á đầu tiên được trao giải Nobel Văn học
Trong suốt cuộc đời mình, Tagore luôn dành tình yêu thương cho con người, phụng sự con người. Tagore thường nhìn sâu vào thế giới nội tâm con người bằng đôi mắt của tình yêu thương con người và ngợi ca tình yêu thương cao cả giữa con người với con người một cách chân thành với lòng thiện, với đức tin và với lòng từ bi. Rabinđranath Tagore là người rất quan tâm đến số phận người phụ nữ Ấn Độ và có tình yêu thương sâu sắc dành cho người phụ nữ. Tagore đã dành nhiều tình cảm và sự tôn vinh đặc biệt khi ca vẻ đẹp của người phụ nữ Ấn Độ ở nhiều góc độ khác nhau, từ vẻ đẹp hình thức đến tính cách và thế giới nội tâm phong phú. Tagore nhìn thấy vẻ đẹp như ngai vàng trong thế giới nội tâm của người phụ nữ. Tác giả không chỉ miêu tả vẻ đẹp hình dáng bên ngoài của người phụ nữ mà còn tập trung ngợi ca thế giới nội tâm, vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của người phụ nữ được toát lên từ tình yêu thương và đức hy sinh, “phụ nữ là những người giản dị và chân thực, có sức chịu đựng rất lớn, họ gắn bó và thực hiện bổn phận của mình trong những cam kết rất can đảm với xã hội và gia đình”.[1] Với tình yêu trong sáng nhưng sâu sắc, đằm thắm, người phụ nữ chỉ biết yêu thương mà không dám thể hiện hay đòi hỏi một sự đáp đền cho mình. Họ tha thiết mong chờ người mình yêu thương nhưng không dùng tình yêu để trói buộc bất cứ ai, ngược lại họ quan tâm, chăm sóc một cách tận tụy và vô điều kiện.
Tagore miêu tả vẻ đẹp người phụ nữ, ca ngợi tình yêu thương và xót thương cho những người phụ nữ bị sự ràng buộc của những lễ giáo khắc nghiệt. “Cuộc đời người phụ nữ Ấn Độ thường bị cái vòng xiềng xích ở chân quanh quẩn xó bếp, lao động quần quật suốt ngày, ra khỏi nhà cái khăn chùm mặt lại ngăn cách với mọi người, không dám ngẩng mặt lên nhìn trời. Nhiều sợi dây của lễ giáo buộc quanh người.”[2] Ông phê phán những tham vọng, tư tưởng quá khích của con người, những hủ tục lạc hậu trong xã hội, luật tục tôn giáo đã gây ra biết bao nỗi đau khổ, làm tổn thương người phụ nữ, khiến cho người phụ nữ không được sống với hạnh phúc của mình. Trong nhiều tác phẩm, tác giả tố cáo những hành động, cử chỉ biểu hiện sự nhẫn tâm, mù quáng, quan niệm xã hội, tôn giáo, đẳng cấp, dư luận, danh vọng, địa vị, tiền bạc, quyền lực, sự ích kỷ, ghen ghét đố kị đã khiến cho người phụ nữ phải chịu nhiều bất công, đau khổ và thiệt thòi. Tạo hóa ban tặng cho con người phần thưởng cao nhất trong cuộc đời của mỗi người là tình yêu, con người phải được tự do trong tình yêu, hôn nhân và làm chủ cuộc đời mình. Thông qua sáng tạo nghệ thuật, Tagore kêu gọi, động viên người phụ nữ đấu tranh để tự giải thoát mình, đấu tranh cho tình yêu chiến thắng khổ hạnh, vượt qua những giáo lý bảo thủ đã bóp nghẹt tình cảm thiêng liêng mà tạo hóa ban tặng cho con người. Tagore đấu tranh cho người phụ nữ được giải phóng khỏi những ràng buộc của lễ giáo lạc hậu, bảo thủ:
“Em thế nào thì cứ thế mà đến
Chớ có loay hoay sửa soạn áo quần.”[3]
Thế giới nhân vật phụ nữ trong sáng tác của Tagore đa dạng, phong phú với nhiều nét tính cách khác nhau. Những nét tính cách ấy không chỉ được bộc lộ qua ngoại hình, ngôn ngữ mà còn bộc lộ rất rõ qua cử chỉ, hành động của nhân vật. Tác giả miêu tả hình ảnh những người phụ nữ Ấn Độ thông minh, sắc sảo, có hiểu biết xã hội và tự tin trong giao tiếp và có khát vọng được làm chủ cuộc sống của mình. Đó là những người phụ nữ chủ động, dám đấu tranh để giành lấy tình yêu và bảo vệ tình yêu cho riêng mình. Qua các tác phẩm, “Tagore đã phản kháng mạnh mẽ một thực tế đáng buồn là những phẩm chất và tài năng quý báu của người phụ nữ Bengal đã bị bỏ phí và bóp nghẹt qua nhiều thế hệ. Thật đáng ngạc nhiên là nếu như chúng ta có thể tìm được một đặc điểm chung của các nhân vật nữ trong các tác phẩm của Tagore thì chính là đặc điểm rằng họ có tính cách mạnh hơn nam giới.”[4] Trong nhiều sáng tác, Tagore đề cập đến những người phụ nữ đã mạnh mẽ dám đối diện với tình cảm của mình, chủ động khẳng định và thổ lộ tình yêu với người mình yêu. Tác giả ngợi ca những người phụ nữ dám vượt lên trên những quan niệm lạc hậu của xã hội để chủ động tìm hạnh phúc cho mình và sự chiến thắng của tình yêu trước những hà khắc của tôn giáo. Tagore phê phán xã hội khắc nghiệt đối với người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, đòi xoá bỏ chế độ phân biệt đẳng cấp, đòi tự do trong hôn nhân. Tagore đã tích cực đóng góp tiếng nói của nghệ thuật vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng phụ nữ, giành tự do, giành nữ quyền bằng cả trái tim, tình yêu thương nhân đạo của mình.
Tagore sáng tác cho trẻ em xuất phát từ tình cảm chân thành của người ông, người cha, người thầy yếu mến trẻ thơ, tin tưởng vào tương lai của trẻ em và mong muốn giáo dục cho mọi người hãy giữ lấy những giá trị tốt đẹp cho trẻ em. R.Tagore là người am hiểu tâm lí, tình cảm và những ước mơ của trẻ em nên ông đã miêu tả sự đa dạng, phong phú về tính cách của trẻ em. Trong những sáng tác viết cho trẻ em, ông luôn dùng ngôn ngữ, hình ảnh, những câu chuyện phù hợp với trẻ em. Trẻ em luôn thích được hoà mình với thiên nhiên, được vui vẻ đùa giỡn giữa thế giới vô biên đó. Tagore đã chú ý ca ngợi tính cách hồn nhiên, chân thực và vô tư của trẻ em.
“Bọn trẻ gặp nhau trên bờ biển những thế giới vô biên
Cười reo nhảy múa
Các em xây những ngôi nhà bằng cát
Và chơi với những vỏ sò rỗng không.
Các em dùng lá khô đan những chiếc thuyền
Và vui cười thả chúng trên biển sâu vô tận.
Bọn trẻ đùa chơi trên bờ những thế giới vô biên.”[5]
Tagore ngợi cá tính trung thực, thật thà của trẻ em và những sáng tác của Tagore viết cho trẻ em đều kể về những câu chuyện cảm động, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Đây là tư tưởng chủ đạo trong các sáng tác của ông viết cho trẻ em. Ông muốn đem tâm hồn trong sáng, thánh thiện tồn tại trong tâm hồn trẻ thơ để đối lập với bản chất xấu xa, đáng khinh của xã hội bị đồng tiền, quyền lực và sắc đẹp cám dỗ.
“Ánh mặt trời long lanh trên cát
Và sóng vỗ rì rào
Một cậu bé ngồi chơi với dăm vỏ ốc
Cậu ngẩng đầu lên và dường như cậu nhận ra tôi rồi nói:
“Tôi thuê anh với hai bàn tay trắng”
Và từ khi bản hợp đồng được kí chơi với cậu bé, tôi đã thành người tự do”.[6]
Ragore là người am hiểu tâm lý trẻ thơ nên khi viết cho trẻ thơ ông thường quan sát, trân trọng và quan tâm đến trẻ em từ giấc ngủ bình thường hay những ước mơ nhỏ bé của trẻ thơ. Giọng điệu trong mỗi bài thơ rất ngộ nghĩnh, hình ảnh sinh động phù hợp với tâm lý trẻ thơ. Tagore sáng tác nhiều bài thơ về tình cảm gia đình, mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ. Tagore am hiểu tình cảm của trẻ thơ đối với cha mẹ, đặc biệt là tình cảm của trẻ thơ đối với người mẹ. Trẻ em luôn quấn quýt bên mẹ, nũng nịu với mẹ và đòi hỏi ở người mẹ một tình yêu bao la và biết quý trọng tình thương ấy hơn cả vàng ngọc. Tình cảm yêu thương giữa cha mẹ và con cái là tình cảm thiêng liêng liêng trong mỗi gia đình. Tagore cho rằng, trẻ em khi phạm sai lầm cũng có phần trách nhiệm của cha mẹ. Do đó, để giáo dục trẻ em thì cha mẹ phải dùng tình yêu thương của mình và tình yêu thương của các thành viên trong gia đình.
Tagore thường đặt nhân vật trẻ em trong những mối tương quan ở nhiều bình diện để các em bộc lộ những cung bậc, dáng vẻ tính cách khác nhau nhưng đều bộc lộ những vẻ đẹp ngây thơ, tâm hồn trong sáng, giàu tình yêu thương, tinh nghịch, ham hiểu biết, thích khám phá thế giới của trẻ em. Tính cách hồn nhiên và tâm hồn thánh thiện của trẻ em đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến thế giới tâm hồn của người lớn, là sợi dây kỳ diệu của tình yêu nối liền những những trái tim và sưởi ấm những tâm hồn cằn cỗi.
Tagore thành công trong miêu tả trực tiếp tâm lý nhân vật qua việc nắm bắt những nét tâm lý riêng biệt của từng nhân vật và quá trình diễn biến tâm lý của nhân vật qua những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, trẻ em là đối tượng được Tagore khắc họa có chiều sâu, được nhìn từ phương diện trong sáng, thơ ngây và tốt đẹp. Để người đọc hiểu rõ hơn về thế giới tâm hồn trẻ thơ, Tagore sử dụng phương thức miêu tả trực tiếp tâm lí nhân vật. Sự miêu tả này thường nằm ở những lời bình luận của người kể chuyện hay những lời nửa trực tiếp xuất hiện cùng với những lời miêu tả ngôn ngữ, hành động, cử chỉ của nhân vật. Những cử chỉ, hành động biểu hiện tình yêu thương, nhân ái chiếm số lượng nhiều nhất trong toàn tác phẩm. Biểu hiện của tình yêu thương là sự quan tâm, chăm sóc của nhân vật dành cho người mình yêu thương. Bằng tình yêu trẻ thơ, R.Tagore quan sát quá trình trưởng thành của các em từ khi còn thơ dại với những thay đổi trong tính cách và số phận, luôn cố gắng nhìn sâu vào thế giới tâm hồn của các em bằng còn mắt của tình yêu thương để từ đó tác giả khắc họa nên thế giới trẻ thơ trong sáng, hồn nhiên, đáng yêu hoàn toàn đối lập với thế giới người lớn với những toan tính xấu xa, xô bồ, bon chen, thực dụng.
Tagore được nhắc đến như một nhà thơ tình nổi tiếng với nhiều tập thơ xoay quanh chủ đề về tình yêu như Người làm vườn, Tặng phẩm của người yêu,… Ông quan niệm tình yêu là nhân tính thiêng liêng của con người và thuộc về con người một cách tự nhiên. Con người sinh ra trên cõi đời này ai cũng phải yêu và đó là một nhu cầu của sự sống. Trong những sáng tác của Tagore, chủ đề về tình yêu chiếm luôn chiếm một vị trí quan trọng. Tagore cho rằng tình yêu là hạnh phúc:
“Tình yêu ơi: Khi người đến
Với ngọn đèn đau khổ bừng sáng trong tay
Thì ta có thể nhìn thấy mặt người
Và biết người là tuyệt vời hạnh phúc.”[7]
Tagore luôn ca ngợi tình yêu tự do, ca ngợi tình yêu của con người và những đòi hỏi vô cùng, vô tận không ngừng nghỉ của con người trước tình yêu. Tagore ngợi ca sự hoà hợp giữa hai tâm hồn đang yêu, tìm tự do trong tình yêu và ông lý giải những cung bậc cảm xúc trong tình yêu:
“Trái tim anh là con chim quen sống cảnh hoang vu
Đã tìm được nơi mắt em khung trời của nó
…Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy
Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu.”[8]
Những vần thơ của Tagore luôn hướng vào tâm hồn con người, đi sâu vào thế giới nội tâm để khám phá những rung động tinh tế của con người khi yêu với những khát khao hòa hợp của hai tâm hồn. Tìm thấy được ý nghĩa của mình trong tình yêu là con người đã tìm đến được với thiên đường ngay trên cõi nhân sinh. Tình yêu là sự hòa hợp giữa hai tâm hồn, là nhân tính thiêng liêng mà con người cần đến nó như “cần khí trời để hít thở”. Một trong những hình thức mãnh liệt nhất trong tình yêu là sự dâng hiến và sự sáng tạo trong tình yêu. R.Tagore luôn đề cao hành động hy sinh, dâng hiến tất cả cho tình yêu và tình yêu thầm lặng là biểu hiện cao nhất của tình yêu, là tình yêu cao cả nhất, đáng trân trọng nhất: “Tình yêu thầm lặng là tình yêu thiêng liêng, trong bóng mờ trái tim ẩn kín tình yêu rực sáng như trân châu. Trong ánh sáng ban ngày kỳ lạ, tình yêu lại lu mờ một cách thảm thương.”[9] Con người trong tình yêu luôn khao khát không ngừng được hiến dâng mãi mãi cho tình yêu, hiến dâng hết mình không đòi hỏi và sự sáng tạo là biểu hiện cao nhất của sự dâng hiến. Theo Tagore, trong tình yêu thì sự hiến dâng chưa đủ mà cần có sự sáng tạo trong tình yêu để đem lại sự mới mẻ và sự hấp dẫn trường tồn. Tagore cho rằng trong tình yêu luôn tràn đầy hy vọng, hạnh phúc, những khát khao cháy bóng và cũng có những lúc trải qua đau khổ, buồn chán, hy sinh và mất mát. Nhưng trải qua đau khổ Tagore luôn rút ra bài học và vẫn mang một niềm tin tưởng: “Tôi biết rằng cuộc đời này không chín rộ trong tình yêu, cũng không phải đã mất đi tất cả.”[10]
Rabindranath Tagore luôn khao khát và tin tưởng vào sự hiện diện của một thiên đường trên mặt đất. Trong niềm tin của ông, thiên đường ấy có sự hài hoà giữa niềm vui, tình yêu, sự hoà hợp và tự do. Suốt cuộc đời Tagore đã cất lên những bài đạo ca để tôn vinh, tỏ lòng sùng kính đối với con người. Những sáng tác của ông luôn xuất phát từ lòng yêu thương con người và bằng tình yêu con người nồng nàn ông đã cố gắng hiểu, bày tỏ những quan niệm của mình về con người và đề cao giá trị con người.
Khánh An
[1] Đỗ Thu Hà, Tagore – văn và người, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2005, tr.113.
[2] Lưu Đức Trung, Văn học Ấn Độ, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.154-155.
[3] Lưu Đức Trung – Phan Thu Hiền, Hợp tuyển văn học Ấn Độ, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.292.
[4] Đỗ Thu Hà, Tagore – văn và người, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2005, tr.112.
[5] Rabindranath Tagore, Tuyển tập tác phẩm (Lưu Đức Trung tuyển chọn dịch và giới thiệu), Nhà xuất bản Lao động – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2004, tr.617.
[6] Rabindranath Tagore, Tuyển tập tác phẩm (Lưu Đức Trung tuyển chọn dịch và giới thiệu), Nhà xuất bản Lao động – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2004, tr.632-633.
[7] Rabindranath Tagore, Tuyển tập tác phẩm (Lưu Đức Trung tuyển chọn dịch và giới thiệu), Nhà xuất bản Lao động – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2004, tr.731.
[8] Rabindranath Tagore, Tuyển tập tác phẩm (Lưu Đức Trung tuyển chọn dịch và giới thiệu), Nhà xuất bản Lao động – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2004, tr.759.
[9] Rabindranath Tagore, Tuyển tập tác phẩm (Lưu Đức Trung tuyển chọn dịch và giới thiệu), Nhà xuất bản Lao động – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2004, tr.591.
[10] Rabindranath Tagore, Tuyển tập tác phẩm (Lưu Đức Trung tuyển chọn dịch và giới thiệu), Nhà xuất bản Lao động – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2004, tr.693.