Hàng năm, lễ hội tưởng niệm anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực thu hút hàng ngàn người tham dự. Với tính chất đại chúng, lễ hội không chỉ dành cho người dân địa phương, mà còn mở rộng cửa đón nhận sự tham gia của các tầng lớp xã hội từ khắp mọi miền đất nước. Tính cộng đồng trong lễ hội thể hiện qua sự gắn kết giữa các thành phần tham gia, cùng nhau tạo nên một bầu không khí đoàn kết và trang trọng.
Hoạt cảnh tại Lễ dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: TTXVN
Điểm nổi bật nhất tại lễ hội Nguyễn Trung Trực chính là tính đại chúng. Lễ hội không giới hạn trong một khu vực hay một nhóm người cụ thể, mà lễ hội là nơi hội tụ của tất cả những ai muốn bày tỏ lòng thành kính với vị anh hùng dân tộc.
Để có những bữa cơm ngon và sự phục vụ chu đáo, bà Ngô Thị Lệ (74 tuổi), ngụ xã Phú Long, Phú Tân (An Giang) cùng hàng trăm người dân có mặt tại di tích lịch sử - văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực từ hơn một tuần nay để lo việc cơm nước phục vụ việc dựng trại cơm đãi khách thập phương về dự lễ giỗ. Tự nguyện tham gia phụ trách trại cơm số 4 gần 30 năm nay, cứ đến ngày giỗ Cụ Nguyễn, bà Lệ lại khăn gói về Thành phố Rạch Giá như một thói quen không thể thay đổi. Cùng đi với bà là đứa cháu nội năm nay 17 tuổi.
Bà Lệ nói: “Tôn sùng ông Nguyễn Trung Trực vì nước xả thân, hiếu nghĩa vẹn toàn, mấy chục năm qua cứ lễ giỗ ông là tôi lại về. Về để thắp hương tưởng nhớ ông, về để cùng bà con miền Tây tổ chức bữa cơm đạm bạc trước là dâng lên ông, sau là đãi trăm họ cùng chung niềm tôn kính, tri ân mà về”.
Lễ hội kỷ niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã trở thành một sự kiện văn hóa có sức hút lớn. Người tham gia không chỉ giới hạn trong người dân địa phương, mà có rất nhiều các đoàn khách đến từ các tỉnh, thành; các tín đồ tôn giáo, nhân sĩ, trí thức từ mọi miền đất nước.
Các nghi thức dâng hương, rước lễ được tổ chức công phu, với sự tham gia của cả người già, người trung niên, người trẻ và cả trẻ em. Đây là dịp để tất cả các giai tầng trong xã hội cùng nhau bày tỏ lòng tri ân và tôn kính đối với vị anh hùng dân tộc đã vì nước vong thân.
Anh Lý Thanh Điền (29 tuổi) - Đội trưởng Đội lân sư rồng Lý Gia Đường, thị xã Tân Châu (An Giang) cho biết: “Tôi và các thành viên trong đội lân năm nào cũng về đình ông Nguyễn dịp lễ hội để biểu diễn miễn phí phục vụ bà con. Mong rằng sẽ góp phần để lễ hội thêm rộn rã và phong phú hoạt động hơn”.
Tại lễ hội Nguyễn Trung Trực, chúng ta có thể thấy rõ sự tham gia đông đảo của mọi lứa tuổi. Từ các em nhỏ, thanh niên đến người già, tất cả đều hòa mình vào không khí linh thiêng và trang trọng của lễ hội.
Vừa cùng các bạn trong lớp thắp hương tại đình Nguyễn Trung Trực xong, em Lâm Thị Trúc Ly, học sinh lớp 6/1 Trường Trung học cơ sở Ngô Sỹ Liên (TP. Rạch Giá) nhanh chóng xếp hàng chờ đến lượt nhận phần buffet chay tại trại cơm số 4. Trúc Ly vui vẻ nói: “Những ngày diễn ra lễ hội, em và các bạn tan học đều đến thắp hương cho Cụ Nguyễn, sau đó sẽ ăn chay để được hưởng lộc ông. Ở đây các cô chú phục vụ đều rất vui vẻ, chu đáo, chúng em thấy như được người nhà lo lắng, chăm sóc bữa ăn vậy”.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Lễ hội Nguyễn Trung Trực. Ảnh: baogiaothong.vn
Như chúng ta đã biết, Lễ hội Nguyễn Trung Trực không chỉ là sự kiện của một tộc người trong cồng đồng các dân tộc Việt Nam, mà lễ hội có sự góp mặt của các cộng đồng dân tộc như người Kinh, người Hoa, người Khmer, người Chăm; đây là các dân tộc sống hòa hợp tại vùng đất Nam Bộ. Các nghi thức tại lễ, cũng như các hoạt đông của hội đều được tổ chức trong không khí đoàn kết, tôn vinh giá trị văn hóa đa dạng và sự chung tay gìn giữ di sản lịch sử của cộng đồng.
Sự tham gia của nhiều cộng đồng dân tộc trong lễ hội là một nét đẹp độc đáo, khẳng định tinh thần đoàn kết và lòng tôn kính đối với anh hùng Nguyễn Trung Trực từ tất cả các dân tộc tại vùng đất này.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoàng (76 tuổi), dân tộc Hoa, ngụ phường Vĩnh Quang (TP. Rạch Giá) cho biết: “Lễ hội này là nơi chúng tôi, cộng đồng người Hoa có thể bày tỏ lòng kính trọng đối với một nhân vật lịch sử vĩ đại. Chúng tôi luôn cảm thấy tự hào khi được đóng góp vào lễ hội. Năm nay thời tiết thuận lợi nên người dân đi lễ hội đông hơn, nhộn nhịp hơn. Các hoạt động từ thiện phục vụ khách thập phương về viếng đình cũng nhiều hơn mọi năm nên bà con rất phấn khởi”.
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động văn hóa, lễ hội Nguyễn Trung Trực còn là một sự thể hiện tinh thần nhường cơm xẻ áo, lá lành đùm lá rách, tình thương chia sẻ. Các hoạt động ăn, uống, ngủ, nghỉ, trị bệnh, phát thuốc miễn phí... đã tạo nên một hình ảnh đẹp về tính cộng đồng trong lễ hội.
Lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh từ lâu được người dân xem như lễ giỗ của gia đình mình, rộng hơn là lễ giỗ mà cả cộng đồng người dân Nam bộ cùng chung tay tổ chức. Không khó để nhận thấy phần đông những người thiện nguyện phục vụ cơm nước tại di tích lịch sử - văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực là người đến từ An Giang. Mỗi người mỗi nơi, mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng chung tấm lòng mong được góp sức chăm lo tươm tất cho ngày giỗ người anh hùng của dân tộc. Ai có của góp của, có công góp công, ai cũng làm với tinh thần tự nguyện, hiếu kính, vì lòng biết ơn, kính trọng mà đến.
Hàng ngàn người dân đến dùng cơm chay miễn phí ở đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại TP Rạch Giá, Kiên Giang. Ảnh: tuoitre.vn
Từ nhiều năm nay, cứ đến dịp lễ kỷ niệm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh được tỉnh Kiên Giang tổ chức tại TP. Rạch Giá, trại bánh xèo Hữu Duyên với 65 nhân sự phần đông là người An Giang do ông Dương Văn Dứt làm đội trưởng lại đỏ lửa. Những chiếc bánh xèo chay thơm ngon, giòn rụm làm ấm lòng hàng triệu khách thập phương về dự lễ giỗ. Theo ông Dứt, tuy không phải là hộ dư dả, nhưng nhớ ngày giỗ Cụ Nguyễn, bà con trong xóm của ông ở xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân (An Giang) lại cùng nhau về TP. Rạch Giá phụ trách trại bánh xèo chay, trước là dâng lên Cụ Nguyễn, sau là đãi khách thập phương đến thắp hương tưởng nhớ Cụ Nguyễn.
Ông Dương Văn Dứt nói: “Về dự giỗ ông, trại bánh xèo Hữu Duyên mỗi ngày xay bột 7 bao gạo, tương đương 17.800 cái bánh xèo, trước là dâng lên Cụ Nguyễn, sau là đãi đàng trăm họ. Tuy đổ bánh xèo rất kỳ công và vất vả nhưng trong đoàn ai nấy nều không nề hà mà tự nguyện góp công, góp của để ngày giỗ Cụ Nguyễn thêm tươm tất”.
Lễ hội kỷ niệm anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh không chỉ là nơi tưởng nhớ công lao của một vị anh hùng, mà còn là không gian để tất cả mọi người cùng hòa chung vào tinh thần đoàn kết, chia sẻ. Tính đại chúng không chỉ thể hiện qua sự đa dạng của các hoạt động văn hóa, mà còn qua những hành động cụ thể vì cộng đồng. Chính điều này đã giúp lễ hội trở thành một biểu tượng cho tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước của người dân Việt Nam.
Xuân Hậu, Gia Phúc