Đặt mình vào vị trí doanh nghiệp
Từ những tháng cuối năm 2020 và ngay trong những ngày đầu năm 2021, các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương... đã đón các nhà đầu tư lớn về công nghệ.
Bắc Giang "mở hàng" đầu năm 2021 khi đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án của 3 nhà đầu tư với tổng số vốn gần 570 triệu USD. Trong đó, dự án Nhà máy Fukang Technology của nhà đầu tư Foxconn Singapore Pte Ltd (Singapore) có tổng vốn đầu tư đăng ký là 270 triệu USD. Foxconn là một trong những hãng chế tạo linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới, chuyên sản xuất các sản phẩm cho Apple. Với bước đầu tư này, Foxconn sẽ chuyển một phần dây chuyền sản xuất máy tính, máy tính bảng sang Việt Nam.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã trao chứng nhận đầu tư cho 3 dự án khác: Dự án công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV Việt Nam của nhà đầu tư Ja Solar Investment (Hồng Kông - Trung Quốc) với tổng vốn đăng ký 210 triệu USD và 2 dự án của nhà đầu tư Risesun Investment Pte Ltd (Singapore) là Nhà máy Risesun New Material Việt Nam và Nhà máy Kodi New Material Việt Nam.
Hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp đang là điểm mạnh của Bắc Giang trong thu hút đầu tư..Ảnh: Người lao động
Với lợi thế về hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển, logistics, Hải Phòng đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp chế biến, chế tạo. Minh chứng là Công ty Universal Scientific Industrial Việt Nam (USI) thuộc Tập đoàn ASE Technology Holding (Đài Loan - Trung Quốc) - tập đoàn dẫn đầu thế giới về công nghệ mạch bán dẫn trong các thiết bị thông minh - đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất mới trong KCN DEEP C Hải Phòng. Nhà máy xây dựng giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD, dự kiến sẽ tăng vốn đầu tư lên 400 triệu USD trong giai đoạn tiếp theo.
Trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp thích hợp, tận dụng cơ hội đón làn sóng đầu tư, thu hút các "đại bàng" đến Việt Nam "làm tổ". Với tinh thần đó, các địa phương như Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc... đã rốt ráo chuẩn bị các yếu tố về hạ tầng, môi trường kinh doanh để chào đón doanh nghiệp (DN).
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết địa phương đặt mình vào vị trí của nhà đầu tư để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về hạ tầng, môi trường đầu tư và đồng hành cùng DN. Cụ thể, Bắc Giang đã thành lập tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ DN, chú trọng đến giai đoạn triển khai dự án, bởi đây là thời điểm nhà đầu tư thường gặp không ít vướng mắc cần địa phương tháo gỡ để sớm triển khai dự án và đi vào sản xuất ổn định.
Chú trọng nguồn nhân lực
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhận định việc các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghệ cao chọn đầu tư vào Việt Nam là tín hiệu tốt trong bối cảnh hiện nay, khởi đầu cho một làn sóng đầu tư mới. Việc các địa phương tập trung thu hút những DN công nghệ là phù hợp với Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về chủ trương ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, nhiều quốc gia trong khu vực đã ban hành chính sách khuyến khích với những ưu đãi cao hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm ưu đãi về tài chính. "Đầu tư nước ngoài gắn với cạnh tranh khu vực, do đó các cơ quan nhà nước cần theo dõi sự thay đổi chính sách ưu đãi FDI của các nước, nhất là những quốc gia trực tiếp cạnh tranh với Việt Nam, để kịp thời ban hành chính sách mới đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn, để từ đó thu hút các dự án FDI công nghệ, dịch vụ hiện đại, công nghệ tương lai như AI, Big data, Fintech..." - GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Từ những tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư FDI nêu trên, GS Nguyễn Mại cho rằng các địa phương cần chú trọng hơn nữa đến "bộ máy và con người" để nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hút FDI chất lượng cao. Nhận định bộ máy quản lý nhà nước liên quan đến FDI đã có những thay đổi tích cực nhưng GS Nguyễn Mại cho rằng chưa đáp ứng được đòi hỏi của chính phủ số. Bởi lẽ, có quá nhiều đầu mối để giải quyết một công việc, nhà đầu tư mất nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục hành chính về cấp đất, xây dựng, thuế, hải quan.
"Bộ máy quản lý khu kinh tế, KCN tại các địa phương cần tinh giản và được trang bị công nghệ thông tin hiện đại, kết nối với trung tâm thông tin FDI quốc gia và các DN FDI" - ông Nguyễn Mại đề xuất.
Trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng các địa phương cần đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, để đáp ứng được yêu cầu công việc của các nhà đầu tư công nghệ.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết địa phương đã có các phương án chuẩn bị kỹ, tầm nhìn dài hạn. Bên cạnh việc tính toán để cung cấp đủ lao động cho các nhà đầu tư, Bắc Giang còn đẩy mạnh công tác giáo dục, dạy nghề để có nguồn lao động chất lượng. Song song đó, địa phương cũng triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, nhà ở cho công nhân gắn với các dịch vụ y tế, giáo dục.
Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu
Theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong tháng 1-2021 - bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài - là hơn 2 tỉ USD.
Các DN nước ngoài đã đầu tư vào 14 ngành, lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 1,54 tỉ USD, chiếm 76,4% tổng vốn đầu tư đăng ký./.
Theo Người lao động