Các giải pháp mang tính chiến lược đi cùng những biện pháp can thiệp cấp thời cho thấy kinh tế Việt Nam ít nhiều chịu được những “cú sốc” ngoại cảnh. Song, ở những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, đà suy giảm là khó tránh khỏi nhưng cần giữ sự bình tĩnh để “đọc vị” độ trễ của các chính sách vĩ mô cũng như hiệu ứng từ những động thái can thiệp của Chính phủ.
Rõ ràng, các chính sách từ tiền tệ, tài khóa, xử lý trái phiếu doanh nghiệp đến điều chỉnh các quy định liên quan phòng cháy chữa cháy, thị thực… đang triển khai đã mang lại một số dấu hiệu tích cực ban đầu. Nhưng để các chính sách nói trên thực sự đi vào cuộc sống và lượng hóa bằng các kết quả thực thi phải cần thời gian.
Trong bối cảnh đó, TPHCM một mặt dự báo được những tác động của độ mở nền kinh tế, mặt khác chủ động trong lộ trình tác động của độ trễ chính sách đã nỗ lực một cách “âm thầm” chuẩn bị các đầu việc, con người để đón đầu nghị quyết mới (thay thế Nghị quyết 54) nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 đang diễn ra.
Tháng 5 và nhất là tháng cuối của quý 2 này, lãnh đạo thành phố xác định sẽ mở hết biên độ hành động, trong đó ưu tiên việc gỡ rối cho các dự án, đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp trên từng tình huống khó khăn, vướng mắc. Trong đó, xác định rõ “mỗi quận huyện là một trung tâm của dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo”, lấy cách thức, hiệu quả gỡ rối là thước đo năng lực, trách nhiệm của từng đơn vị, bộ phận, cá nhân.
Điển hình trong đầu tư công, khi thành phố đã phân cấp, ủy quyền cho các quận huyện, TP Thủ Đức thì “những việc cần làm ngay” là các địa phương thành lập các tổ “gỡ rối” trước, phân loại các nhóm dự án và giải quyết các vấn đề trong thẩm quyền của mình. Mục tiêu trước mắt là sớm vượt qua giai đoạn giảm phiền hà, tiến tới yểm trợ đắc lực cho các doanh nghiệp tăng tốc.
Đã đến lúc các nội dung như chuyển đổi số, kinh tế xanh cần “trình làng” một số sản phẩm cụ thể như khởi động dự án thử nghiệm chứng minh hiệu quả trong việc triển khai chuyển đổi số vào hệ thống dịch vụ công. Trong đó, ưu tiên thử nghiệm cho 312 phường, xã, thị trấn để qua đó cam kết cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công tại cấp cơ sở.
Bên cạnh đó, tính toán thí điểm thị trường carbon, chuyển xe xăng sang xe điện, lắp đặt điện mặt trời áp mái cho các cơ quan công sở, điện đốt rác… nhằm hướng tới mục tiêu trung hòa carbon là một trong hơn 40 nội dung “đặc thù” được trao cho thành phố trong nghị quyết mới.
Bởi, bên cạnh việc tập trung tháo gỡ điểm nghẽn thì thành phố còn đón đầu và bắt kịp các xu thế của thế giới, ứng dụng ngay một số mô hình về giao thông, tiêu dùng và du lịch xanh vốn đã phát huy hiệu ứng, hiệu quả.
Không phải ngẫu nhiên mà trong các cuộc họp thời gian qua, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên luôn đặt yêu cầu “phải hành động nhanh nhất khi nghị quyết mới có hiệu lực” và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi mạnh mẽ cam kết “đã chuẩn bị đội ngũ để cụ thể hóa nghị quyết về cơ chế đột phá”, điều đó đồng nghĩa với việc thành phố đã sẵn sàng các nguồn lực hành động - cụ thể cho việc hiện thực hóa nghị quyết mới nói riêng và những đầu việc quan trọng mang tính chiến lược, tổng thể nói chung của thành phố.
Nguồn SGGP