Đó là việc cập nhật thường xuyên, thông báo kịp thời quy định an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp, chính quyền địa phương, người sản xuất để chuẩn bị đầu tư, quy hoạch vùng trồng, áp dụng quy trình sản xuất phù hợp. Đồng thời, kiểm soát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trước khi xuất khẩu; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, người sản xuất và chính quyền địa phương trong xuất khẩu nông sản.
Bên cạnh đó, cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy định kỹ thuật về an toàn thực phẩm phù hợp thực tế trong nước và quốc tế; thực hiện các chương trình giám sát về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm tại vùng trồng xuất khẩu. Từ đó, đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp để phục vụ xuất khẩu. Ứng dụng truy xuất, nghiên cứu quy hoạch, cấp mã số vùng trồng xuất khẩu; nâng cao trình độ, nhận thức về an toàn thực phẩm của người sản xuất, doanh nghiệp, chính quyền địa phương đối với xuất khẩu nông sản.
Để tránh tình trạng doanh nghiệp vi phạm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trong kiểm dịch, theo Cục Bảo vệ thực vật, các doanh nghiệp cần hiểu rõ về thị trường xuất khẩu để tổ chức sản xuất, thu gom đảm bảo các yêu cầu an toàn thực phẩm cho hàng hoá. Đồng thời, hướng dẫn, đào tạo cho người lao động về quy trình sản xuất để đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm của mình.
Đặc biệt, doanh nghiệp giám sát tốt vùng sản xuất, thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại các phòng thử nghiệm được chỉ định hoặc phòng thử nghiệm được thị trường xuất khẩu chấp thuận trước khi đóng gói xuất khẩu.
Chính quyền địa phương tham vấn cơ quan chuyên ngành về các quy định của thị trường xuất khẩu để có quy hoạch, hướng dẫn sản xuất phù hợp tại địa phương, tránh các vi phạm do không nắm được quy định của thị trường xuất khẩu.
Các ngành hàng nông, lâm, thủy sản thực hiện sản xuất theo chuỗi gắn với thị trường xuất khẩu, tăng cường năng lực thực hiện truy xuất; thực hiện tốt sự phối hợp, liên kết của doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người sản xuất.
Trước việc nông sản Việt Nam bị thu hồi hoặc cảnh báo tại thị trường EU vừa qua, đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, quy trình sản xuất chưa được điều chỉnh phù hợp với quy định an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, không chỉ với thị trường EU, theo quan sát trên hệ thống cảnh báo của các thị trường Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản… vi phạm an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng có nguồn gốc thực vật xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Điều này cho thấy, thông tin về quy định an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu còn hạn chế, quy hoạch vùng trồng để xuất khẩu theo thị trường chưa được chú trọng. Vùng trồng để xuất khẩu hiện vẫn chủ yếu theo hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp, chưa đủ khả năng đáp ứng các điều kiện sản xuất để cung cấp cho thị trường lớn.
Phần lớn hàng xuất khẩu được thu gom tại các vùng trồng khác nhau chưa được giám sát chặt chẽ nên rất khó đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm của thị trường xuất khẩu.
Quy trình sản xuất ban đầu trên đồng ruộng chưa được điều chỉnh phù hợp với quy định an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu, nên các chỉ tiêu dư lượng không đạt chủ yếu rơi vào các trường hợp vi phạm giá trị mặc định (quy định rất thấp 0,01 mg/kg tức là không có dư lượng).
Giá trị này áp dụng cho các thuốc bảo vệ thực vật không sử dụng ở thị trường xuất khẩu nhưng sử dụng ở Việt Nam do điều kiện sinh thái, cây trồng, dịch hại khác nhau tại nước xuất khẩu và nhập khẩu.
Mới đây, Văn phòng SPS Việt Nam đã có thông báo về Cơ quan y tế Na Uy và Pháp phát hiện các chất nitrofurans (furazolidone) trong lô hàng đùi ếch đông lạnh và chất propargite, fenobucarb trong lô hàng bưởi nhập khẩu từ Việt Nam từ hệ thống cảnh báo RASFF; thu hồi một lô gạo thơm giống ST25 hiệu Nữ hoàng tại Bỉ.
Nguồn TTXVN