Khai thác tài nguyên thiên nhiên quá nhiều dẫn đến không kịp tái tạo, rác thải dồn ứ, ô nhiễm không khí và nguồn nước... hầu hết đều xuất phát từ việc sản xuất và tiêu thụ quá đà.
Và không thể phủ nhận, để thay đổi hiện trạng này, chỉ có thể bắt đầu từ những hành vi nhỏ nhất trong sinh hoạt hằng ngày của mỗi người, sau đó là mỗi doanh nghiệp, rồi đến mỗi địa phương và đến mỗi quốc gia.
Đầu tiên, sản xuất “xanh” là xu hướng cần được nhân rộng. Điều này đòi hỏi trong quá trình sản xuất ra sản phẩm, doanh nghiệp ứng dụng được nhiều phương pháp giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các vật liệu độc hại. Đồng thời giảm thiểu lượng chất thải và các chất ô nhiễm phát thải trong suốt vòng đời sản phẩm, nhằm tránh gây nguy hại đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có.
Thực tế, đầu tư cho sản xuất “xanh” không phải là chuyện dễ dàng thực hiện trong một sớm một chiều. Nó đòi hỏi vốn liếng, công nghệ và chủ doanh nghiệp phải có một nhận thức tiến bộ, rõ ràng về trách nhiệm của mình trong việc góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Song, đáng mừng là hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới, xu hướng này đang được nhân rộng với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề.
Bên cạnh sản xuất “xanh”, thì ở góc độ của mình, người tiêu dùng cần ý thức rõ: nhu cầu sử dụng sản phẩm “xanh” của mình chính là “mệnh lệnh” cao nhất đối với các nhà sản xuất trong quá trình sản xuất. Một khi người tiêu dùng đặt ra các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe hơn về góc độ bảo vệ môi trường thì các nhà sản xuất buộc phải “tuân theo”. Đứng giữa sẽ là Nhà nước. Các Chính phủ cần đặt ra các quy định, tạo các hành lang pháp lý để khuyến khích và yêu cầu doanh nghiệp minh bạch thông tin về mức độ sản xuất “xanh” trên sản phẩm của họ theo yêu cầu của người tiêu dùng.
Hiện nay, thông qua một số ký hiệu, người tiêu dùng có thể nắm được nguồn gốc nguyên liệu, mức độ tái chế sau khi sử dụng hoặc sản phẩm có thân thiện với môi trường hay không trên nhiều loại hàng tiêu dùng. Các quốc gia tiến bộ cũng đã và đang siết lại các tiêu chuẩn, tiêu chí bảo vệ môi trường trong kinh doanh và sản xuất nhằm nỗ lực gìn giữ môi trường, để các nguồn tài nguyên thiên nhiên có cơ hội và thời gian tái tạo.
Sản xuất “xanh” - tiêu dùng “xanh” - kinh tế “xanh” rõ ràng đang là một xu hướng cần được tạo điều kiện, cổ vũ và nhân rộng./.
Theo Đồng Nai cuối tuần