Tôi đã từng đọc bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên Báo Nhân Dân đăng ngày 15/5/2021. Thú thật, vào thời điểm đó, thấy bài dài và cứ nghĩ là những vấn đề thuộc tầm vĩ mô nên cũng chỉ lướt qua. Giờ đây, cầm trên tay cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, có thời gian để đọc và đọc liền một mạch, rồi đọc lại thì mới thấy rằng, bài viết hoàn toàn không như cảm nghĩ ban đầu.
Chỉ 17 trang của cuốn sách khổ 18x24 cm, bài viết của Tổng Bí thư có sức cuốn hút, hấp dẫn và đầy thuyết phục bởi cách viết gần gũi, lối dẫn dắt tự nhiên, sự minh chứng rõ ràng, các vấn đề đưa ra cả về lý luận và thực tiễn đều có thể hiểu và dễ hiểu. Và, từ 17 trang đó, rất nhiều người đã đọc, viết, trao đổi, bình luận về chủ đề mà Tổng Bí thư nêu ra, được tuyển chọn in trong cuốn sách với gần 800 trang .
SÁNG RÕ HƠN!
Mở đầu, Tổng Bí thư đặt vấn đề, bài viết tập trung vào mấy câu hỏi: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?
Bốn câu hỏi khó, nội dung rất rộng lớn, phong phú và phức tạp, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nếu không chịu khó đọc thì e rằng, nhiều người sẽ cảm thấy “choáng ngợp” hoặc cho rằng “mang tính hàn lâm”. Nhưng đọc kỹ thì mọi việc dần đươc sáng rõ!
Chủ nghĩa xã hội là gì?
Rất nhiều người trong chúng ta đã được học và có trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp đến trung, cao cấp và đều được học môn chủ nghĩa xã hội khoa học; đa số chúng ta đều được nghe nói đến từ chủ nghĩa xã hội ở nhiều kênh thông tin khác nhau. Nhưng gần đây, tôi cảm thấy, cụm từ này ít được nhắc đến hơn, ít người dùng hơn, kể cả trong những tài liệu, văn bản chính thống - Phải chăng, chủ nghĩa xã hội không còn là mục tiêu đi tới ở nước ta?
Bài viết chỉ ra và phê phán những sai lầm đối với một số người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, họ cho rằng chúng ta chọn con đường sai, cần phải đi con đường khác hoặc họ ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản.
Để người đọc có cái nhìn tổng thể, khách quan, bên cạnh thừa nhận những thành tựu to lớn, những tiềm năng phát triển của chủ nghĩa tư bản, bài viết đã chỉ ra những mâu thuẫn, những mặt trái có tính cốt yếu của chủ nghĩa tư bản trong suốt mấy thế kỷ qua, nhất là những năm gần đây. Các cuộc khủng hoảng gay gắt về kinh tế, xã hội, chính trị diễn ra liên tục ở nhiều nước tư bản chủ nghĩa - Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột xã hội.
Từ đó, Tổng Bí thư cho rằng: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội…”. Chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang hướng tới với những giá trị đích thực là như vậy. Lập luận sắc bén cùng với các dẫn chứng đầy thuyết phục đã được nêu ra ở trong bài viết.
Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa?
Bài viết nhắc lại lịch sử Việt Nam đã phải trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khổ, hy sinh với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam đó là: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - chỉ có như vậy thì mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc.
Chính vì vậy, khi phong trào xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng, thoái trào và đến nay, qua 35 năm đổi mới, Đảng ta vẫn luôn kiên định với con đường đã chọn và thực tiễn cách mạng Việt Nam đã khẳng định, đó là một sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn.
Đến nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Một sự phân tích khoa học gắn với thực tiễn của cách mạng Việt Nam được lý giải rất rõ ràng.
Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam?
Trong bốn câu hỏi cần phải làm rõ thì đây là câu khó nhất. Bởi lẽ, như bài viết đã nêu, đó là điều mà chúng ta luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn để từng bước hoàn thiện đường lối, quan điểm và tổ chức thực hiện, làm sao để vừa theo đúng quy luật chung, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Sau khi nêu những nhận thức tổng quát về xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng và các nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện mục tiêu đó, bài viết nêu rõ, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bằng những định hướng lớn, những nhận thức mới gắn với thực tiễn hiện nay trên các vấn đề chủ yếu về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - được coi là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta; về coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và đảm bảo cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đọc xong phần này, làm cho người đọc càng thấy rõ hơn về hướng đi, cách làm, nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ta đã đề ra cho con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội và cả những khó khăn, thách thức trên con đường đó.
Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?
Với 4 trang viết về nội dung này, Tổng Bí thư đã phác họa lại bức tranh của Việt Nam qua 35 năm đổi mới với những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Các tư liệu, số liệu, với các con số “biết nói” đã minh chứng rõ ràng, đầy sức thuyết phục - điều mà không chỉ trong nước, mà cả các tổ chức quốc tế và nhiều nước trên thế giới đều đánh giá cao và ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trên các lĩnh vực. Bài viết tiếp tục khẳng định rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Không chỉ nêu ra những thành tựu, mặt tích cực mà bài viết cũng đã chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế và những thách thức mới, giúp cho người đọc nhận thức rõ hơn, nhìn nhận một cách toàn diện hơn về con đường đã qua và chặng đường phía trước.
VỮNG TIN HƠN!
Đọc xong bài viết của Tổng Bí thư, bản thân càng thấy vững tin hơn.
Tin về những điều được minh chứng, có tính khoa học gắn với thực tiễn của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua, đặc biệt là thành tựu nổi bật của 35 năm đổi mới. Tin về sự lựa chọn đúng đắn của Đảng ta và Bác Hồ về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với những lý luận sắc bén, rõ ràng, đầy sức thuyết phục. Tin về những định hướng đúng đắn và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, có tính khả thi để hướng tới con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, mặc dù sẽ còn gặp bao khó khăn, thử thách, lâu dài. Tin về tính cách mạng, khoa học, bản chất tốt đẹp của Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam và tin về Người viết - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Những gì nói ra trên đây không thể nói hết được nội dung của bài viết. Hãy đọc bài viết của Tổng Bí thư để được sáng rõ hơn và từ đó củng cố niềm tin vững chắc hơn đối với Đảng ta, với con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn./.
Tiến Hải