Tuy nhiên, phía ngân hàng cho biết khối lượng vàng miếng nhập về từ Ngân hàng Nhà nước mỗi ngày có giới hạn, nên nếu tại thời điểm khách hàng có nhu cầu mua vàng mà trong kho hết vàng miếng, việc bán vàng sẽ được tiếp tục thực hiện khi ngân hàng mua được vàng miếng từ Ngân hàng Nhà nước trong các phiên mua tiếp theo.
Như vậy, việc bán vàng miếng SJC trực tiếp cho người dân tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã triển khai được 2 ngày. Giá bán vàng miếng trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước hôm nay 4/6 là 77,98 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng/lượng so với phiên ngày hôm qua. Với mức giá công bố này, 4 ngân hàng và công ty SJC hôm nay đồng loạt niêm yết giá bán ra ở mức 78,98 triệu đồng/lượng.
Giá vàng đã giảm sâu so với mức đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng (bán ra) vào ngày 10/5 vừa qua. Điều này dẫn tới hiện tượng rất đông người dân đến xếp hàng tại các điểm bán vàng trong 2 ngày qua. Thậm chí dù trong ngày hôm nay, nhiều điểm bán đã thông báo phải tới 13h30 mới có vàng phục vụ khách hàng sau khi hoàn tất các thủ tục nhập mua từ Ngân hàng Nhà nước nhưng ngay từ sáng sớm, người dân đã xếp hàng lấy số và chờ đến lượt giao dịch.
Theo ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), việc thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế dẫn tới giá bán vàng của các ngân hàng thương mại nhà nước và SJC có thể sẽ còn giảm trong thời gian tới. Vì vậy, người dân cần rất thận trọng khi mua vàng trong bối cảnh giá vàng thế giới đầy biến động như hiện nay.
Trước đó, ngày 3/6, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chia sẻ số lượng người dân đến giao dịch cao hơn nhiều so với dự đoán của ngân hàng. Do đó, dù các ngân hàng thương mại vốn Nhà nước đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc bán vàng trực tiếp cho người dân theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn có tình trạng khách xếp hàng đợi nhưng không mua được vàng.
Bà Phượng khuyến cáo người dân nên thận trọng, không nhất thiết mua vàng vào những ngày đầu các ngân hàng thương mại nhà nước triển khai bán vàng, bởi các ngân hàng thương mại nhà nước không chỉ bán vàng trong một vài ngày, mà sẽ tiếp tục bán cho đến khi đạt được mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Còn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết Ngân hàng Nhà nước có quy định số lượng tối đa và tối thiểu của từng ngân hàng theo từng phiên. Vietcombank sẽ bán cho khách hàng số lượng vàng miếng theo nhu cầu của khách hàng và căn cứ vào số lượng vàng miếng có sẵn trong kho của ngân hàng.
"Trường hợp trong kho hết vàng miếng tại thời điểm khách hàng có nhu cầu mua vàng miếng, việc bán vàng sẽ được tiếp tục thực hiện khi Vietcombank mua được vàng miếng từ Ngân hàng Nhà nước trong các phiên mua tiếp theo. Khách hàng có thể quay lại thực hiện giao dịch vào thời điểm khác khi ngân hàng có đủ số lượng vàng miếng", bà Yến nhấn mạnh.
Trong thông báo mới nhất, Vietcombank cho biết khi khách hàng có nhu cầu thực hiện giao dịch đặt mua vàng miếng, khách hàng cần đặt cọc cho Vietcombank với giá trị tương đương 10% giá trị đặt mua tính theo giá bán vàng miếng của Vietcombank tại ngày 3/6 (tức 79,98 triệu đồng/lượng) với số lượng vàng miếng khách hàng đặt mua.
Vietcombank lưu ý khách hàng có thể đặt cọc bằng tiền mặt hoặc tiền chuyển khoản. Trường hợp đã đặt cọc nhưng không đến thanh toán và/hoặc thanh toán không đầy đủ, khách hàng sẽ không được ngân hàng hoàn trả lại tiền đặt cọc tương ứng với số lượng vàng miếng không mua. Khi đến đặt cọc cũng như đến giao dịch mua vàng miếng, khách hàng cần mang theo giấy tờ tuỳ thân như căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực.
Hiện 4 ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ thực hiện bán vàng miếng SJC, không thực hiện mua vàng từ khách hàng. Thời gian thực hiện bán vàng niêm yết tại các ngân hàng từ 09h00 đến 11h30 sáng và từ 13h30 đến 16h00 chiều.
Nguồn TTXVN