Cần tập trung đào tạo nhân lực cho lao động nông thôn. Ảnh: Internet
Một ngày công hái chôm chôm, xoài, thanh long… khi rộ vụ có thể lên đến 350 ngàn đồng/người nhưng nhiều chủ vườn cho biết họ thuê không được người hái khi vào mùa thu hoạch. Trong khi đó, từng dòng người vẫn lũ lượt đổ về các đô thị lớn trong cả nước để làm việc tại các công ty với mức lương khoảng 200-300 ngàn đồng/ngày hoặc bươn chải kiếm sống bằng nhiều nghề với thu nhập bấp bênh và phải chi phí thêm nhiều khoản như: thuê nhà trọ, ăn uống, xe cộ, điện nước…
Nghịch lý đó tồn tại nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có lối ra, dù nó đã được nhìn nhận rõ. Nguyên nhân là do đặc thù trong sản xuất nông nghiệp thường chỉ cần lao động mùa vụ chứ không có việc làm ổn định quanh năm nên người trẻ không mặn mà chọn lựa.
Ở cấp độ cao hơn, tức là nhân sự ngành nông nghiệp có những kỹ năng cao hơn như: phân tích giá trị hàng nông sản, phân tích lợi nhuận và rủi ro trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, quản trị kinh doanh, chăm sóc khách hàng, am hiểu chính sách, tài chính, kế toán... thì câu chuyện thiếu và yếu lại càng rõ ràng hơn và chưa có hướng giải quyết.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tính đến năm 2025, nhu cầu nhân lực của ngành cần 10 ngàn cán bộ quản lý nông nghiệp, 80 ngàn cán bộ HTX nông nghiệp, 100 ngàn nông dân có trình độ đào tạo, 60 ngàn người làm dịch vụ kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp…
Nhu cầu được Bộ NN-PTNT tính toán nghe có vẻ… xa vời khi hiện tại, lao động phổ thông trong ngành Nông nghiệp ở nông thôn còn khan hiếm, nói gì đến nhân lực chất lượng cao?
Tuy nhiên, về lâu dài, vẫn phải tính toán kế hoạch đào tạo bài bản, xây dựng các chính sách phù hợp để “hút” lao động chất lượng cao, bởi nông nghiệp là ngành dễ bị cạnh tranh và dễ tổn thương nhất trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Không còn cách nào khác, Việt Nam cần tập trung nguồn lực cho đào tạo nhân lực chất lượng cao và phải ứng dụng được vào thực tế chứ không chỉ đào tạo “suông”, có tri thức, có kỹ năng nhưng khi ứng dụng vào thực tế trình độ nông nghiệp trong nước thì lại không phù hợp. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để doanh nghiệp tham gia và có trách nhiệm cùng các trường đại học, cơ sở đào tạo trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp nói chung và kinh doanh nông nghiệp nói riêng. Hơn thế nữa là rà soát ngay các chương trình đào tạo nhân lực cho khu vực nông nghiệp - nông thôn hiện tại để nhanh chóng cải thiện các điểm yếu, cập nhật kiến thức và thông tin mới, không để lao động nông thôn lạc hậu mãi ngay trên chính quê nhà./.
Theo Báo Đồng Nai