Nhiều mô hình hiệu quả
Thực tiễn tại các địa phương cho thấy, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới có khả năng lớn trong hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đồng thời, đóng góp hiệu quả cho công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng như cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Nhiều HTX làm tốt vai trò liên kết giữa các hộ nông dân với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ manh mún, phát triển thành sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao. Nhờ vậy, người sản xuất nhỏ chẳng những tránh được tình trạng bị ép giá, mà giá trị sản phẩm, lợi nhuận và hiệu quả sản xuất được tăng lên, nhất là đối với những hộ nông dân nghèo thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn đầu tư
Nổi bật trong đó là những HTX kiểu mới áp dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung... Nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình HTX áp dụng sản xuất, chăn nuôi gắn với chuỗi sản xuất cho giá trị cao.
Điển hình là mô hình của HTX chăn nuôi hỗn hợp Phú Trên tại xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Hợp tác xã có khoảng 10 thành viên tham gia, tiến hành canh tác trên 7 mẫu đất vườn, ao để trồng rau theo mùa (bí đao, bắp cải, rau muống...) và nuôi thủy sản (cá, tôm, ba ba…). Sản phẩm của HTX có thị trường tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định, doanh thu khoảng 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều người lao động với mức lương từ 4 triệu đồng/tháng.
Mô hình của HTX chăn nuôi hỗn hợp Phú Trên
Hay mô hình HTX rau an toàn Quyết Chiến ở xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình trên diện tích 17ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Với 7 tháng thu hái trong năm, rau su su VietGAP của HTX cho sản lượng 63 tấn/ha, thu nhập bình quân khoảng khoảng 400 triệu đồng/ha. Hiện, sản phẩm rau su su của HTX có đầy đủ tem nhãn, bao bì đã có mặt tại một số siêu thị, cửa hàng rau sạch ở Thủ đô Hà Nội, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Một số điểm nghẽn cần tháo gỡ
Bên cạnh những kết quả tích cực, mô hình HTX kiểu mới cũng đối mặt với không ít hạn chế, vướng mắc. Khó khăn lớn nhất hiện nay là tiếp cận vốn tín dụng khi phía ngân hàng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe về thủ tục vay, chẳng hạn như phải có nguồn tài sản thế chấp. Các HTX chưa được tạo điều kiện, cơ chế tốt để tiếp cận quỹ đất đai, thực thi quyền sử dụng đất, trình độ của cán bộ quản lý HTX còn hạn chế.
Còn với đầu ra của sản phẩm, dù nhiều hợp tác xã đã chuyển đổi sản xuất theo quy trình sạch, an toàn nhưng việc tiêu thụ còn khó khăn…
Để tháo gỡ những điểm nghẽn trên, trước hết cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý trong hỗ trợ, xây dựng cơ chế, chính sách để các HTX dễ tiếp cận nguồn vốn.
Mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ hiện đại Israel của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Tp Hà Nội.
Khuyến khích tích tụ ruộng đất, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn để phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, HTX là cầu nối giữa doanh nghiệp với người nông dân và xây dựng các mô hình điểm áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về giống cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao để người dân học tập, nhân rộng. Tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tham gia vào các chương trình, dự án sản xuất, kinh doanh và đầu tư bằng nhiều hình thức như xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông, lâm, thủy sản...
Nhà nước cũng cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành hợp tác xã; nâng cao năng lực, trình độ sản xuất của các thành viên hợp tác xã, chủ động thích ứng với thị trường và đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng.
Hướng đi hứa hẹn
Tháng 7/2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ký kết thỏa thuận liên kết phát triển (HTX nông nghiệp trên địa bàn An Giang, với kế hoạch thành lập 50 HTX nông nghiệp trong năm 2020.
Những hộ nông dân khi tham gia vào các hợp tác xã kiểu mới này sẽ nhận được hỗ trợ thiết thực, đó là lựa chọn sản phẩm đầu vào để có vụ mùa tốt nhất, phù hợp nhất với nhu cầu thị trường, hỗ trợ tài chính suốt mùa vụ, tư vấn quy trình canh tác đạt chuẩn để tiết kiệm chi phí, bảo vệ sức khỏe cho người làm nông và môi trường sống ở vùng nông thôn qua việc hạn chế và kiểm soát dư lượng vi chất theo các tiêu chuẩn của từng thị trường tiêu thụ.
Tập đoàn Lộc Trời sẽ góp vốn, cử nhân sự tham gia điều hành, phát triển các sản phẩm dịch vụ, ứng dụng quy trình canh tác mới, máy móc hiện đại vào sản xuất và đảm bảo thị trường đầu ra cho sản phẩm của HTX. Các cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn sẽ “3 cùng” với người dân để tư vấn về cây giống và quy trình canh tác phù hợp nhất với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng và khả năng tài chính.
Thỏa thuận trên đánh dấu bước phát triển quan trọng trong chiến lược xây dựng, hình thành và phát triển các HTX kiểu mới có sự tham gia góp vốn, điều hành của Doanh nghiệp, có phương án sản xuất xuất kinh doanh rõ ràng, từ đó hình thành vùng nguyên liệu thông qua hình thức liên kết gắn với xây dựng Hợp tác xã sản xuất xuất lúa gạo, cây ăn trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Mô hình trên hứa hẹn mang đến làn gió mới thích ứng xu hướng thay đổi của nông nghiệp hiện đại và phát triển bền vững
PV tổng hợp