Đến thời điểm này, Sơn La đã có 49/188 xã đạt chuẩn NTM, vượt tới 26 xã so với chỉ tiêu đề ra. Hạ tầng của vùng nông thôn, miền núi Sơn La đã thay đổi đến chóng mặt, cùng với đó, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Nhiều mô hình làm ăn mới, nhất là các mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi, mô hình chè… phát triển.
Nếu cách đây khoảng mười năm, các loại hoa quả của Sơn La chưa được nhiều người biết đến thì hiện nay, Sơn La trở thành “vựa” hoa quả lớn nhất miền Bắc. Các loại hoa quả nổi tiếng nhất phải kể đến như: na, nhãn, thanh long… Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nông nghiệp Sơn La chuyển mình sang “làm ăn lớn”, xây dựng những thương hiệu mạnh. Một trong những bí quyết để tạo nên thành tựu đó là nhờ phát triển kinh tế tập thể, nhất là mô hình hợp tác xã.
Khi xây dựng NTM, định hướng chung của toàn tỉnh là phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Nhưng phát triển những mặt hàng nào không phải là bài toán dễ giải, do thị trường đã bão hòa nhiều loại sản phẩm khác nhau. Sau khi khảo sát, nghiên cứu, từ năm 2015, Tỉnh ủy Sơn La thực hiện “Đề án phát triển cây ăn quả trên đất dốc”, chuyển dịch diện tích trồng ngô và các cây trồng khác hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng miền đang đem lại hiệu quả tích cực.
Đổi thay ở tỉnh miền núi Sơn La từ nông thôn mới. Ảnh: Đại Đoàn kết
Cụ thể, nếu năm 2015, diện tích cây ăn quả mới đạt 23.600 ha thì nay đã đạt hơn 76.000 ha. Sản lượng cây ăn quả năm 2020 đạt hơn 1,1 triệu tấn. Riêng sản lượng nhãn đã đạt tới 215 nghìn tấn, Sơn La đã chính thức trở thành “thủ phủ” cây ăn quả của miền Bắc. Chủ trương phát triển cây ăn quả là một chủ trương đúng.
Nhưng khi triển khai chủ trương này, việc thực hiện không phải lúc nào cũng thuận lợi. Người dân vốn quen làm ăn nhỏ lẻ, ngại đầu tư. Bản thân người dân vùng cao cũng thiếu vốn. Mô hình HTX tưởng chừng trở nên lạc hậu. Tuy nhiên, bước vào xây dựng NTM, mô hình HTX đã khắc phục được nhiều điểm yếu trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn.
Cụ thể, các mô hình HTX giúp người dân khắc phục được điểm yếu về vốn đầu tư sản xuất, triển khai áp dụng khoa học, công nghệ, xây dựng thương hiệu. Khi hợp tác cùng làm ăn, việc phân công vai trò hiệu quả, mỗi thành viên trong HTX đều phát huy tốt hơn vai trò của mình. Lợi thế của mô hình HTX khiến HTX phát triển nhanh chóng.
Chỉ trong năm 2020 vừa qua, đã có 75 HTX và hai liên HTX ra đời, nâng tổng số mô hình HTX trên toàn tỉnh là 665 HTX các loại, 258 tổ HTX, với 83% là HTX nông nghiệp. Tổng số có gần 32 nghìn thành viên, hoạt động trên các lĩnh vực: Nông, lâm, thủy sản; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng; tín dụng; thương mại, dịch vụ du lịch, quản lý chợ; vận tải. Trong đó, đông nhất là khối nông nghiệp và các dịch vụ nông nghiệp.
Trong thành công đó, không thể không nói đến vai trò của công tác vận động, nhất là khi đưa cái mới vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ban đầu, người dân còn rụt rè. Sự vào cuộc, hỗ trợ tích cực của cán bộ Mặt trận, đoàn thể, Liên minh HTX, cùng với đó là xây dựng các mô hình điểm, các lớp tập huấn kỹ thuật được tổ chức khiến người dân yên tâm.
Nhiều người đã thay đổi suy nghĩ, từ chỗ nghĩ HTX là mô hình “lạc hậu” đã nhận ra những lợi thế và mạnh dạn đầu tư. Theo ông Lê Tiến Lợi - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La, trong 3 năm (2017-2020), đã tổ chức 171 hội nghị tuyên truyền sáng lập viên thành lập HTX, liên hiệp HTX; 47 lớp tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX, liên hiệp HTX trên địa bàn, gắn với tham quan học tập kinh nghiệm mô hình HTX tiêu biểu tại các tỉnh bạn.
Qua đó, các thành viên có nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý, điều hành; chủ động kết nối với các doanh nghiệp, các HTX trong tỉnh, ngoài tỉnh để liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm và liên kết, ký kết hợp đồng cung ứng tiêu thụ sản phẩm. Liên minh HTX còn tích cực hỗ trợ các HTX thành viên xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị và liên doanh, liên kết, hợp tác. Mô hình HTX tại Sơn La là bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTM ở các địa phương khác.
Khi xây dựng nông thôn mới, định hướng chung của Sơn La là phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Nhưng phát triển những mặt hàng nào không phải là bài toán dễ giải, do thị trường đã bão hòa nhiều loại sản phẩm khác nhau. Sau khi khảo sát, nghiên cứu, từ năm 2015, Tỉnh ủy Sơn La thực hiện “Đề án phát triển cây ăn quả trên đất dốc”, chuyển dịch diện tích trồng ngô và các cây trồng khác hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng miền đang đem lại hiệu quả tích cực./.
Theo Đại Đoàn kết