ĐBSCL là cửa ngõ ra Biển Đông, chịu ảnh hưởng trực tiếp của mối quan hệ sông - biển. Việc các quốc gia đầu nguồn xây đập thủy điện, trích “máu” dòng Mê Công bằng các dự án chuyển nước làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Cùng với tác động của vấn đề nước xuyên biên giới là tác hại từ mặt trái của hoạt động kinh tế với cường độ cao ở nội vùng gây nhiều hệ lụy; đê bao cục bộ cũng góp phần làm thay đổi dòng chảy; nạn khai thác cát, nước ngầm chưa được kiểm soát chặt chẽ càng làm cho tình trạng khô hạn, sụt lún, sạt lở tạo ra tác động tiêu cực tích lũy, liên hoàn ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Mùa khô năm nay là “trận” hạn mặn khốc liệt thứ 3 liên tiếp xảy ra trong vòng 8 năm so với “trận” hạn mặn lịch sử trăm năm xảy ra vào năm 2016. Cho đến nay đã có 3 tỉnh Tiền Giang, Cà Mau và Kiên Giang công bố tình trạng thiên tai khẩn cấp do hạn mặn, người dân thiếu nước sinh hoạt để tập trung các giải pháp trước mắt và lâu dài ứng phó. Những nguyên nhân bên trong và bên ngoài của tình trạng trên đã được chỉ rõ. Vấn đề là các giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài trước tình trạng hạn mặn diễn ra theo chu kỳ nhanh hơn quy luật lũ, hạn mặn ở vùng ĐBSCL cũng đang thay đổi thất thường, đòi hỏi chủ động thích ứng tốt hơn.
Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã xác định rõ tư duy “chủ động thích ứng thuận thiên”, tôn trọng quy luật tự nhiên, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên. “Sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong phát triển vùng ĐBSCL chính là việc lấy con người làm trung tâm, tài nguyên nước là cốt lõi, kiến tạo phát triển với việc thay đổi tư duy, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, tích hợp đa ngành, đa giá trị, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Sống chung với hạn mặn là cách tiếp cận “thuận thiên” hơn 300 năm khai phá vùng đất Nam bộ của cha ông. Đó không phải là một phát kiến mới, nhưng thực tiễn đang đòi hỏi sự “thấu hiểu” những giá trị cốt lõi của tài nguyên nước để có giải pháp phù hợp từ tri thức bản địa kết hợp khoa học công nghệ.
Để phát triển bền vững vùng ĐBSCL, chúng ta cần các nhóm giải pháp đồng bộ, hiệu quả với việc cân bằng tổng thể tài nguyên nước theo các kịch bản phát triển, nhưng có tính đến các yếu tố đặc thù của 3 tiểu vùng ngọt, lợ, mặn. Các giải pháp khác nhau và tích hợp phải thích ứng với 5 loại nước. Nước dùng cho ăn uống và sinh hoạt hàng ngày của người dân là không thể thiếu. Thực tế vừa qua xảy ra một số điểm thiếu nước ngọt là chưa có các giải pháp an toàn cho ưu tiên hàng đầu này. Nước phục vụ sản xuất không đánh đồng bằng cách “ngăn mặn, giữ ngọt” cứng nhắc như lâu nay mà phải ưu tiên điều tiết tài nguyên nước. Nước cho sản xuất phải thích hợp với 3 tiểu vùng sinh thái mặn, ngọt, lợ và các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác nhau từ trồng lúa, cây ăn trái, nuôi thủy sản. Nhưng nước cho sản xuất không chỉ phục vụ cho nông nghiệp, thủy sản mà còn phải tính đến đa mục đích cho các ngành kinh tế khác. Tránh tình trạng đắp đập, ngăn sông bằng mọi giá để ngăn mặn, giữ ngọt. Cùng với nước cho ăn uống, sinh hoạt, sản xuất, giao thông, phát triển bền vững vùng cần bảo vệ và nuôi dưỡng nguồn nước sinh thái. Đây là loại tài nguyên nước rất quan trọng tạo ra đa dạng sinh học, góp phần điều tiết khí hậu, bảo vệ môi trường.
Để ứng phó hiệu quả với hạn mặn ngày càng gay gắt, ĐBSCL cần 3 ưu tiên: Một, bằng công cụ khoa học kết hợp với kiến thức bản địa và thực tế cần dự báo sớm, chính xác tình hình, diễn biến, mức độ tác động. Hai, chủ động thích ứng phải trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, chỉ huy mọi hành động với bài toán cân bằng tổng thể tài nguyên nước, đảm bảo “chi phí - lợi ích” và nguyên tắc “không hối tiếc” khi quyết định đầu tư công trình. Ba, xem hạn hán, xâm nhập mặn là đặc tính chu kỳ và đột xuất để xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế, tổ chức dân cư phù hợp. Trên cơ sở đó tăng cường liên kết vùng, điều phối liên vùng, cơ chế chỉ huy thống nhất, không thể “mạnh ai nấy làm”.