Trong các ngày 29-31.12, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam được tổ chức. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Hội Nhà báo Việt Nam; đánh giá việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ về công tác báo chí nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và đặc biệt là xác định phương hướng, nhiệm vụ quan trọng cho nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Kệ kim cương tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trưng bày 8 tờ báo được Hiệp hội Báo chí Thế giới xếp hạng cổ nhất trên thế giới và 2 tờ báo của Việt Nam. Trong đó, 2 tờ báo của Việt Nam là tờ Gia Định Báo - tờ báo đầu tiên xuất bản bằng chữ Quốc ngữ và Báo Thanh niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Báo Tin tức
Nhìn lại nhiệm kỳ 2015-2020 của Hội Nhà báo Việt Nam, có thể thấy, 5 năm qua, báo chí nước nhà đã không ngừng phát triển cả về quy mô, loại hình, công nghệ và chất lượng. Đội ngũ nhà báo nước ta không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và trình độ, thực sự là một trong những lực lượng đi đầu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Các cấp Hội, các cơ quan báo chí đã chú trọng đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, tiên phong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên nhà báo, nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Hội đã ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, khích lệ tinh thần cống hiến của người làm báo cách mạng, góp phần khắc phục các vi phạm, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động báo chí.
Tuy nhiên, nền báo chí và đội ngũ người làm báo nước ta cũng luôn đứng trước những thách thức to lớn. Những vấn đề của thời đại với các diễn biến phức tạp và khó dự báo, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19, sự phát triển của mạng xã hội, cùng với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số trong báo chí- truyền thông… đòi hỏi người làm báo phải giữ vững bản lĩnh chính trị, chắc chắn về nghiệp vụ, nhanh chóng thích ứng và làm chủ tình hình, khẳng định vị thế của báo chí trong công chúng và xã hội.
Trải nghiệm công nghệ tiên tiến tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Báo Tin tức
Trong khi đó, cùng với sự tăng trưởng, báo chí nước ta cũng bộc lộ không ít thiếu sót và bất cập, trong đó có những vấn đề liên quan tới trình độ và phẩm chất của người làm báo. Một số nhà báo không đáp ứng được những yêu cầu về trình độ nghiệp vụ lẫn khả năng làm chủ công nghệ trong tác nghiệp, nên chưa thực hiện được các tác phẩm báo chí đáp ứng nhu cầu của người đọc. Một số nhà báo, hội viên thì vì những lý do khác nhau đã vi phạm pháp luật, có người vì mục đích vụ lợi, để lại những ấn tượng xấu trong công chúng về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tổ chức đầu năm 2021 đã chỉ rõ những nhiệm vụ của báo chí nước ta. Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng nền báo chí - truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí - truyền thông thì có một vấn đề quan trọng là bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đây là yêu cầu cơ bản, mà mỗi cơ quan báo chí, cấp hội nhà báo và mỗi người làm báo phải thật sự thấm nhuần.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, mỗi nhà báo hội viên phải luôn luôn tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức nói chung, đạo đức nghề nghiệp nói riêng; không ngừng tìm tòi, đổi mới về cách viết, chủ động tiếp cận các ứng dụng khoa học công nghệ mới, nhanh chóng thích nghi và không ngừng học hỏi, tiến tới làm chủ công nghệ trong tác nghiệp báo chí. Bên cạnh đó, tổ chức Hội Nhà báo các cấp, cùng với mỗi Hội viên, cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, nâng cao đạo đức nghề nghiệp báo chí, ngăn chặn suy thoái đạo đức trong những người làm báo. Các nhà báo cần luôn luôn giữ vững đạo đức làm nghề và lý tưởng làm nghề, thực hiện sứ mệnh phụng sự của mình đối với người đọc; chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Theo Tin tức