Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhận diện, chống lại các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung hệ trọng, có ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Những năm qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững, bổ sung và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi các âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không ngừng củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, công tác này đã được triển khai ngày càng bài bản, thống nhất, đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, đi vào chiều sâu. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ ý đồ chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta, luôn toan tính tạo ra “khoảng trống” về tư tưởng, lý luận trong đời sống chính trị - xã hội của nước ta, với âm mưu cơ bản, lâu dài và rất thâm độc là xoay chuyển quỹ đạo phát triển của đất nước ta đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
“Sức đề kháng” là khả năng phòng vệ, một vũ khí nhạy bén để chống lại các tác nhân xâm nhập, các mối đe dọa gây hại đến cơ thể từ bên ngoài. Đối với mỗi người, một cơ thể cường tráng, khoẻ mạnh mới có sức đề kháng, mới tự miễn dịch trước bệnh tật. Tuy vậy, sức đề kháng của con người không phải từ khi sinh ra đã hoàn chỉnh, nó bị tác động rất lớn bởi các yếu tố khách quan bên ngoài và phải được củng cố, hoàn thiện dần dần. Quá trình khó khăn đó dẫn đến, trong cùng một môi trường sống nhưng có thể sức đề kháng của mỗi người sẽ là khác nhau. Có những người có sức đề kháng tốt, nhưng cũng có những người sức đề kháng kém hơn.
Trong công cuộc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch giai đoạn hiện nay, ngay cả những “chiễn sĩ” tích cực nhất, ưu tú nhất, sáng suốt nhất cũng không dám khẳng định mình có thể kịp thời nhận diện và đấu tranh, phản bác lại được với tất cả những quan điểm sai trái, thù địch. Vậy làm sao để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta có thể tự tin sẽ giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này? Đó chính là việc chúng ta phải luôn có ý thức trau dồi, tự trang bị nền tảng tri thức khoa học đúng đắn, nâng cao niềm tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, vào mục tiêu, con đường mà chúng ta đã chọn. Đó là việc chúng ta phải luôn có khát vọng đổi mới và không ngừng tự hoàn thiện để phát triển hơn, để có một “sức đề kháng” tốt hơn, biến nó trở thành một “vũ khí sắc bén” trong đấu tranh.
Trong bản thân những quan điểm thù địch đã chứa đựng những đối lập về lợi ích và lập trường giai cấp, chứa đựng quan điểm sai trái, thêu dệt, không phản ánh đúng sự thật khách quan. Chủ thể của nó thường là những kẻ đối lập về lợi ích giai cấp, quốc gia, dân tộc và lập trường tư tưởng. Nhưng đối với quan điểm sai trái, có thể do sự hạn chế về trình độ nhận thức hay có thể do sự bất mãn, phản ứng thái quá với một sự việc mang tính cá biệt, xuất phát từ sai lầm, khuyết điểm, sơ suất trong cách hành xử, thực thi công vụ của một số ít tổ chức hay cán bộ, đảng viên của ta. Vì thế, có nơi, có lúc, chủ thể của nó chưa hẳn là những kẻ thù địch, chống phá. Cần thừa nhận rằng, chính những sai lầm, khuyết điểm chưa được khắc phục kịp thời của chúng ta có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến những cách hiểu, cách nhìn tiêu cực và nghiêm trọng hơn sẽ trở thành yếu điểm để các thế lực thù địch, chống phá khai thác, xuyên tạc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Bên cạnh đó, Người cũng nhận định: “Đảng ta là một đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng”. Vì lẽ đó, trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, song hành với đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chúng ta cần nghiêm khắc, thẳng thắn thừa nhận những sai lầm, khuyết điểm dù là nhỏ nhất và phải cầu thị, quyết tâm sửa đổi. Khi chúng ta thực sự kiên định, “mãnh mẽ” về mọi mặt, tránh xa những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì mới đủ sức vượt qua, giành chiến thắng trước mọi âm mưu, thủ đoạn. Đó chính là “sức đề kháng” tốt nhất.
Những quan điểm sai trái, thù địch cần phải được nhận diện, đấu tranh, phản bác quyết liệt, kịp thời, đa dạng trên tất cả các mặt trận. Chính những quan điểm “không tích cực” ấy cũng là hồi chuông cảnh báo để chúng ta càng chú ý, thận trọng hơn trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nghiêm khắc, kĩ càng hơn trong công tác cán bộ, cầu thị hơn trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, như vậy mới giúp cho Đảng ta ngày một trưởng thành và vững mạnh hơn. Đồng thời, trong quá trình lãnh đạo, phải luôn ý thức “nói đi đôi với làm”, không thể chỉ xem trọng việc đấu tranh, phê phán mà phải tích cực hành động, tạo ra kết quả, thành tích cụ thể, đưa đất nước không ngừng tiến lên. Đó là thực tế hùng hồn để chứng minh cho việc Đảng ta có gì tốt, có gì ưu việt mà có thể hiệu triệu được biết bao thế hệ ưu tú ra sức dựng xây, cống hiến, bảo vệ đến cùng, bất kể gian khổ, hi sinh. Đây cũng là yếu tố quan trọng để củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng.
Có thể nói, khi mà “sức đề kháng” trong Đảng, trong quần chúng đã tốt thì không có một thế lực hay quan điểm sai trái, thù địch nào có thể làm lung lay niềm tin, cản trở mục tiêu tiến lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, dân tộc ta. Thế nhưng, “sức đề kháng” ấy không tự nhiên có mà cần trải qua một quá trình hoàn thiện nhất định, cơ bản, từ việc nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ thống quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cho đến việc vận dụng sáng suốt vào thực tiễn cách mạng trong từng giai đoạn cụ thể./.
Q.M