1. Đấu tranh tư tưởng là cuộc “chiến tranh” giữa thời bình, diễn ra âm thầm, quyết liệt, lâu dài, tác động mạnh mẽ đến niềm tin của nhân dân và đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa. Muốn thắng lợi trong cuộc chiến tranh này, đòi hỏi phải tạo nên một sức mạnh tổng hợp vượt trội hơn kẻ thù, đó là một vấn đề có tính nguyên tắc, là quy luật “mạnh được yếu thua”.
Sức mạnh tổng hợp được hình thành từ sức mạnh của từng yếu tố thành phần. Nhưng đó không phải là phép cộng giản đơn mà là sự hòa quyện và nhân lên gấp bội sức mạnh của các yếu tố thành phần để hóa thân thành một “hợp chất” mới, không thể chia tách được. Sức mạnh tổng hợp là bố trí, sắp xếp cả yếu tố con người và các yếu tố vật chất, tinh thần khác một cách khoa học, tinh tế để biến mỗi yếu tố thành một tế bào trong một cơ thể thống nhất. Tạo ra sức mạnh tổng hợp đòi hỏi tài năng, trí tuệ và cả đức độ của người chỉ huy cuộc đấu tranh.
Sức mạnh chủ đạo của cuộc đấu tranh chính là sức mạnh của tư tưởng tiến bộ hơn, là niềm tin vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Ai có thể phủ nhận tính nhân văn, nhân đạo cao cả của lý tưởng hướng tới xây dựng một xã hội mà ở đó mọi tài nguyên, nguồn lực đều là của chung, không có áp bức, bất công, mọi người đều được tự do, bình đẳng, ấm no, hạnh phúc – những khát vọng cháy bỏng, là mơ ước ngàn đời của những người lao động trên toàn thế giới. Đồng thời, chúng ta có được sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần lạc quan, dũng cảm từ truyền thống văn hóa của dân tộc đã được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước; độc lập về tư tưởng là sức mạnh nội sinh, là quốc bảo mà cha ông truyền lại cho chúng ta trong cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay. Chúng ta còn có sức mạnh từ sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, từ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và sức mạnh của công nghệ tiên tiến. Việt Nam là một nước có số người sử dụng mạng xã hội cao trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta cũng đã có hàng trăm mạng xã hội nội địa, lĩnh vực truyền hình, phát thanh, báo chí được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển theo kịp trình độ phát triển của thế giới.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có nhiều điểm yếu mà các thế lực thù địch triệt để khai thác, thổi phồng, bóp méo làm lấn át đi sức mạnh vốn có của chế độ ta. Lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta vẫn còn nhiều vấn đề cần giải đáp. Trong khi, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa chưa được khẳng định một cách rõ rệt thì những hạn chế, khuyết điểm của sự nghiệp đổi mới, mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã và đang làm sụt giảm niềm tin của nhân dân. Những yếu kém về kinh tế, xã hội làm cho tính thuyết phục, tính chiến đấu của các luận cứ, luận chứng đấu tranh tư tưởng chưa cao. Thông tin chính thống chưa trở thành dòng chủ lưu thường xuyên cũng như trong các thời điểm, sự kiện nhạy cảm. Các biện pháp công tác tác tư tưởng, công tác tổ chức và công tác kiểm tra còn chưa thật nhuần nhuyễn, xử lý các mâu thuẫn trong nội bộ chưa tốt là nguyên nhân của các “điểm nóng” để các thế lực thù địch lợi dụng hòng kích động làm rối loạn về mặt tư tưởng. Thông tin xấu, độc chưa được ngăn chặn hiệu quả do việc phối hợp giữa tuyên truyền, giáo dục với an ninh, công nghệ chưa tốt
2. Trong bối cảnh đó, tập trung nghiên cứu, bổ sung phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tổng kết những bài học từ sự nghiệp đổi mới để hoàn thiện đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, xây dựng và củng cố niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng để trở thành nền tảng vững chắc cho cuộc đấu tranh. Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trở thành sức mạnh trụ cột trong sức mạnh tổng hợp, gắn với đấu tranh, vạch trần các thủ đoạn chia rẽ mối quan hệ đoàn kết giữa Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang với nhân dân. Đoàn kết về mục tiêu, ý chí là yếu tố quan trọng nhất. Phát huy sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đoàn kết trong xã hội trên cơ sở phân phối công bằng về lợi ích, về nguồn lực, cơ hội phát triển cho các giai tầng, dân tộc, các tôn giáo, vùng miền.
Ngọn cờ quy tụ các nguồn sức mạnh thành phần chính là khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần phải được tuyên truyền rộng rãi hơn nữa, tới với mọi tầng lớp nhân dân. Phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên tự mình trở thành một chiến sĩ xung kích và xây dựng mỗi địa phương thành một pháo đài trên lĩnh vực tư tưởng. Chăm lo xây dựng lực lượng chuyên trách trên mặt trận tư tưởng ngày càng chuyên nghiệp, tinh nhuệ, hiện đại, làm nòng cốt, đi đầu trong cuộc đấu tranh. Xây dựng lực lượng tham gia đấu tranh tư tưởng được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, có kỹ năng xử lý thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, hợp tác trong đấu tranh tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là “tác chiến hiệp đồng binh chủng” nên rất cần chỉ huy, quản lý điều hành thống nhất, trên cơ sở biết rõ ưu thế, hạn chế của từng thành tố để bố trí, sắp xếp các nguồn lực cũng như liều lượng sử dụng, thời điểm sử dụng phù hợp, lên kế hoạch, hiệp đồng tác chiến, sử dụng nguồn lực trên trong phạm vi cả nước. Các thao tác, kỹ năng “tác chiến hiệp đồng binh chủng” trên mặt trận tư tưởng phải được trang bị và rèn luyện thường xuyên và nên xây dựng thành kế hoạch, quy trình, tổ chức diễn tập trên thực tế, thường xuyên rút kinh nghiệm và đánh giá hiệu quả để ngày càng hoàn thiện.
Đồng thời, đấu tranh không chỉ là viết bài phản bác trực diện mà còn là việc ca ngợi, biểu dương các thành tựu, gương người tốt, việc tốt. Ấn một nút like, sharre, comment, post một dòng status, một hình ảnh, một bài thơ, một bài hát, điệu nhảy…có nội dung tích cực lên mạng xã hội cũng đã góp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh tư tưởng.
Khi sức mạnh tư tưởng, tinh thần kết hợp với sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, của nền kinh tế và sức mạnh của thời đại thì chúng ta chắc chắn sẽ tiếp tục viết nên những chiến công mới trong cuộc đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng./.
N.V