Trên tinh thần đó, công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa đã lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Nổi bật là đời sống văn hóa cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển có chiều sâu, chất lượng, mang lại hiệu quả thiết thực, phát huy tốt giá trị và vai trò của gia đình, cộng đồng xã hội, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cùng với đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy; chuẩn mực ứng xử văn hóa mới được hình thành. Nhiều lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi, tạo nên bức tranh ấn tượng, đa sắc màu. Đặc biệt, công nghiệp văn hóa đang dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Một điểm cần nhắc tới nữa là công tác ngoại giao văn hóa được triển khai tích cực, góp phần tạo dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế. Trong năm qua, Việt Nam lần thứ hai trúng cử vị trí thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027. UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới, nâng tổng số di sản của Việt Nam được công nhận lên 32 di sản; 2 thành phố Hội An và Đà Lạt chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đáng chú ý, các chương trình chính trị nghệ thuật, tuần văn hóa, lễ hội du lịch và văn hóa Việt Nam tại nước ngoài… được tổ chức thường xuyên đã góp phần quảng bá đất nước Việt Nam tươi đẹp, an toàn, mến khách với nền văn hóa đặc sắc tới đông đảo bạn bè quốc tế…
Văn hóa cũng đã, đang góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, cái ác, lấy cái thiện, cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực; truyền cảm hứng, cổ vũ, lan tỏa giá trị cao đẹp của dân tộc, của con người trong đời sống xã hội.
Tiếp nối mạch nguồn, sứ mệnh lịch sử “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, Đảng và Nhà nước ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Với quan điểm xuyên suốt đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra ngày 3-1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh tinh thần cần tự tin hơn, bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn để phát huy tối đa sức mạnh của nền văn hóa, sức mạnh nội sinh, sức mạnh con người Việt Nam, vững bước đi lên, tạo bứt phá, tăng tốc phát triển nhanh và bền vững.
Thực tế trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, chúng ta đã xác định quan điểm dựa trên nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá. Trong đó, nội lực gồm 3 trụ cột chính là con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử. Do vậy, để văn hóa đồng hành với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, chúng ta cần tiếp tục tập trung thực hiện sự nghiệp xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, là “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”.
Đặc biệt, cần phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI như mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; đồng thời xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc, chính là phát huy tối đa sức mạnh văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, góp phần đưa dân tộc ta vững bước đi tới tương lai tươi sáng.
Theo Hà Nội mới