Lên phương án tòa soạn “dã chiến”
Lịch làm việc thường xuyên của một số PV, BTV và lãnh đạo của báo là thức dậy trước 6 giờ sáng để cập nhật ca bệnh mới, trong khi 1, 2 giờ sáng mới ngủ vì còn cập nhật diễn biến dịch cuối ngày hôm trước. Hầu như tất cả các cơ quan truyền thông lớn của Việt Nam đều tác nghiệp trong hoàn cảnh, cường độ căng thẳng, thường xuyên, liên tục tương tự. Thanh Niên thậm chí còn chuẩn bị phương án “tòa soạn dã chiến” cho trường hợp phải cách ly thì sẽ cách ly cùng nhau để tiếp tục tác nghiệp.
Không chỉ lượng công việc tăng lên, báo chí, nhất là các báo in, còn bị một sức ép khác là... ế ẩm trong tiêu thụ báo. Giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế đình đốn, nên không ai mua báo. Kinh tế báo chí sụt giảm thê thảm. Trong những ngày sôi sục nhất của dịch bệnh, nhiều cơ quan báo chí cũng thông báo giảm lương.
Phóng viên Thanh niên tại chốt chặn, phòng chống dịch Covid-19 tại Đồn biên phòng Tân Hà (Tây Ninh) |
Niềm an ủi và động lực của chúng tôi trong những ngày căng thẳng đó chính là độc giả và cảm giác mình hữu ích. Độc giả của Thanh Niên tăng từng ngày, nhiều bài báo vọt lên mức triệu view và nhiều độc giả email xin tư vấn cần làm gì trong dịch bệnh (trong đó có cả email từ người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Việt Nam). Hàng triệu người đã được Thanh Niên thông tin kịp thời, không chỉ về ca bệnh mới, mà cả việc nên ứng xử ra sao để tự bảo vệ mình, bảo vệ người xung quanh và giúp ích cho việc chống dịch. Đợt dịch khiến chúng tôi hiểu ra rằng, trong lúc khủng hoảng nhất, thông tin cá nhân trên các diễn đàn trang mạng đa chiều, thiếu kiểm chứng, mọi người đều tìm về với những địa chỉ tin cậy. Thanh Niên tự hào là một trong những địa chỉ đó.
Tốt so với chính mình chưa đủ
Covid-19 hoàn toàn mới trên thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Và để thông tin đến độc giả một cách đúng đắn, “phải liều” - không gieo rắc hoang mang, nhưng cũng không để mọi người quá chủ quan, ngoài chạy theo thông tin, cả ê kíp Thanh Niên phải học hỏi liên tục về dịch bệnh, các diễn biến mới, các phản ứng mới của thế giới, tiến độ nghiên cứu vắc xin... Thật may mắn, với tất cả nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, sự hưởng ứng vào cuộc tích cực của người dân, Việt Nam đã kiềm chế được dịch chỉ trong vòng một tháng rưỡi, trong đó có phần đóng góp của truyền thông.
uy vậy, khoảng cách của báo chí Việt Nam với báo chí thế giới vẫn còn rất xa và nó càng thể hiện rõ ràng hơn trong những tình huống lịch sử như truyền thông về đại dịch. Báo chí dữ liệu, một loại hình báo chí còn rất sơ khai ở Việt Nam, đã được báo chí thế giới phát huy triệt để trong đại dịch Covid-19. Một số bài trong số đó có tác động thay đổi cách đối phó với dịch của các chính quyền.
Bài báo, hay đúng hơn, nên gọi là “công trình”, Coronavirus Tracked (tạm dịch “Theo dấu virus corona”) của Financial Times, đứng thứ nhất bảng xếp hạng “Báo chí dữ liệu tốt nhất trong Covid-19” của Press Gazette (một tạp chí về truyền thông của Anh), là một bài báo như vậy. Bắt đầu từ ngày 10.3, cho đến nay, bài báo này vẫn được cập nhật dữ liệu mới liên tục, được trực quan hóa bằng đồ họa cho thấy diễn biến của dịch, số người nhiễm, mức độ gia tăng... Dữ liệu mà Financial Times đưa ra trong bài báo này và cách thức thể hiện sáng tạo của họ, được cho là đã khuyến khích chính phủ các nước có những hành động khẩn cấp, bao gồm cả phong tỏa, trước sự bùng phát quá nhanh, quá mạnh của đại dịch.
Đây là bài báo được đọc nhiều nhất trong lịch sử Financial Times, chỉ trong vòng 1 tuần đã đạt 40 triệu view và cho đến nay chưa có công bố chính thức tổng số lượt đọc. Bài báo này cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được thừa nhận bởi nhiều nhà dịch tễ học và chuyên gia.
Đứng thứ 2 là một bài báo, chính xác hơn, chỉ là một biểu đồ đơn giản trong một bài báo của The Economist hồi cuối tháng 2. Biểu đồ không bao gồm một con số nào, chỉ cho thấy nếu chính phủ không có hành động gì thì đỉnh dịch sẽ cao ra sao và nếu có các hành động kiềm chế, đỉnh dịch sẽ thấp xuống. Thông điệp đơn giản của nó đã có tác động đến toàn thế giới và khiến cho cụm từ “flatten the curve” - “là thẳng đường cong”, đình đám toàn cầu, thành phương châm hành động cho chiến dịch chống Corona của nhiều nước. Biểu đồ này cũng được ghi nhận “đã cứu hàng nghìn mạng sống”.
Đây là những ví dụ cho thấy, báo chí không chỉ đưa tin sự kiện, mà còn có tác động thay đổi cục diện. Báo chí dữ liệu chính là một hướng đi mà báo chí Việt Nam nói chung, Thanh Niên nói riêng, đang hướng tới.
Đến thời điểm này, chúng tôi hiểu rõ dịch vẫn chưa kết thúc, không chỉ là câu chuyện “làn sóng thứ 2” vẫn còn treo lơ lửng, mà ở chuyện cuộc sống sẽ được khôi phục ra sao hậu dịch bệnh. Hơn nữa, Covid-19 không phải dịch bệnh cuối cùng, cũng như cuộc sống sẽ vẫn tiếp diễn, truyền thông cũng vậy, chỉ là theo cách nào.
Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6, bên cạnh niềm tự hào, chúng tôi thấy gánh nặng trách nhiệm trên vai mình, từ kỳ vọng và từ quyền được tiếp cận với những thông tin tốt nhất, hay nhất của hàng triệu độc giả. Chúng tôi hiểu rằng tốt so với chính mình, chưa phải là đủ.
Theo Thanh niên