Đường Kách mệnh là tác phẩm lý luận không chỉ có ý nghĩa soi đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam nói chung mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng, huấn luyện đội ngũ cán bộ cách mạng - một công việc gốc của Đảng - nói riêng
Tác phẩm Đường Kách mệnh
Đường Kách mệnh là tác phẩm tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) từ năm 1925 đến 1927.
Cuốn sách được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và xuất bản thành sách năm 1927.
Đánh giá về ý nghĩa của cuốn sách, E.V Côbêlép – một nhà nghiên cứu Xôviết am hiểu lịch sử Việt Nam giai đoạn này đã viết: “Tác phẩm Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc đã đóng vai trò tựa như cuốn Làm gì? của Lênin trong phong trào cách mạng nước Nga”[1].
Mở đầu cuốn sách, Nguyễn Ái Quốc viết: “Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: (1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh. (2) Vì sao cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. (3) Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi, (4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. (5) Ai là bạn ta? Ai la thù ta? (6) Cách mệnh thì phải làm thế nào”[2]. Mục đích là để “Đồng bào xem rồi nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau làm cách mệnh”[3].
Nội dung cụ thể trong tác phẩm bao gồm 13 vấn đề lý luận, kết tinh nhiều luận điểm quan trọng về: vai trò, tầm quan trọng của lý luận cách mệnh; xác định mục đích của sự nghiệp cách mạng; Bản chất của “cách mệnh” và các loại hình “cách mệnh” trên thế giới và cách mạng Việt Nam; Xác định con đường cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam; Những nhân tố đảm bảo cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đi tới thành công; Đánh giá về các tổ chức cách mạng quốc tế đối với quá trình phát triển của phong trào cách mạng thế giới… trong đó, đáng chú ý là những quan điểm của Người về người cách mệnh, tư cách một người cách mệnh. Cho đến nay, vận vào công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, những chỉ dẫn của Người vẫn còn nguyên giá trị.
Các chuẩn mực và tiêu chí về người cán bộ cách mạng
Ngay ở trang đầu tiên (in sau trang bìa) của tác phẩm, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh: “Muốn làm cách mạng và để làm cách mạng thành công trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.
Muốn xây dựng được một Đảng cách mạng chắc chắn, theo Người, điều tiên quyết là phải xây dựng cho được những con người có tư cách cách mạng thực sự.
Nguyễn Ái Quốc hiểu rõ thực trạng xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX: một nước thuộc địa và phong kiến nghèo nàn, lạc hậu; nhân dân Việt Nam sau hơn nửa thế kỷ bị thực dân Pháp đô hộ, đang sống với tất cả những gì hủ lậu, tăm tối nhất; mâu thuẫn dân tộc trở nên gay gắt hơn bao giờ hết; ánh sáng tư tưởng cách mạng thời đại mới bước đầu soi rọi, thâm nhập vào quần chúng…Tất cả những điều đó đặt ra yêu cầu phải xây dựng một Đảng cách mạng để tổ chức, tập hợp quần chúng đấu tranh; nhưng đồng thời và cấp bách hơn cả là phải nhanh chóng xây dựng cho được những con người có năng lực và mang tinh thần đạo đức cách mạng mới: Đạo đức cách mạng cộng sản chủ nghĩa.
Vì thế, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã phác hoạ một hệ chuẩn mực với 23 tiêu chí (yêu cầu phải đáp ứng); được Người trình bày rõ ràng thành 3 lớp quan hệ ứng xử:
Tự mình phải (tức đối với mình) - gồm 14 tiêu chí: “Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cận thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mật.”[4]
Đối với người (tức mình đối với người khác, trong đó có cả yêu cầu đối với từng người, với đoàn thể) – gồm 5 tiêu chí:“Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người”[5]
Làm việc phải (nhấn mạnh vào ứng xử, nổi bật là thái độ ứng xử, thi hành trách nhiệm, bổn phận…- gồm 4 tiêu chí:“Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”[6]
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp huấn luyện cán bộ (Ảnh tư liệu)
Trong quan niệm của Nguyễn Ái Quốc, tư cách một người cách mệnh là sự kết hợp giữa đức và tài, trí và dũng, thể hiện trong mối quan hệ gắn bó giữa cá nhân với tổ chức, với đoàn thể. Các yếu tố đó song hành, quan hệ biện chứng, hữu cơ với nhau. Và nếu có thể làm một phép phân chia rạch ròi, thuần túy theo kiểu số học, chúng ta thấy, trong tổng số 23 tiêu chí mà Người đưa ra: có 12 tiêu chí thuộc về chuẩn đạo đức và 11 tiêu chí thuộc về chuẩn năng lực. Đó hoàn toàn không phải là điều ngẫu nhiên. Bởi theo Người, “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Người có tài năng mà thiếu sự rèn giũa bản thân, không biết đặt mình trong mối quan hệ với người, với việc ắt sẽ tách mình ra khỏi tập thể, tự cao tự phụ, coi khinh tập thể và tất yếu sẽ dẫn đến những vấp váp, sai lầm. Đạo đức là nền tảng của tài năng, tài năng chỉ thật sự có nghĩa khi nó được hình thành và phát triển trên lý tưởng trong sáng, đẹp đẽ. Người cán bộ, đảng viên muốn làm cách mạng trước hết phải thấm nhuần đạo đức, tư cách người cách mạng, điều này bảo đảm cho họ giữ vững được chủ nghĩa mà mình đã giác ngộ, đã chấp nhận, đã đi theo. Đấy cũng chính là “cái gốc” của người cán bộ.
Ý nghĩa đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ở nước ta hiện nay
95 năm đã trôi qua, nhưng những chỉ dẫn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong tác phẩm Đường Kách mệnh về tư cách một người cách mệnh vẫn còn nguyên giá trị. Điều này càng có ý nghĩa trong tình hình hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân ta đang quán triệt sâu sắc, triển khai sâu rộng các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra về xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng trong thời gian tới, cần chú ý một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XIII) và Khoá XIII. Các cấp ủy đảng cần xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, phù hợp, đánh giá đúng thực tế, nhận diện và chỉ ra những biểu hiện cụ thể ở từng cán bộ, đảng viên; kịp thời ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thứ hai, cần đổi mới các khâu trong công tác cán bộ theo hướng hoàn thiện lề lối, phong cách làm việc của cán bộ. Chú trọng xây dựng phong cách làm việc khoa học, kỷ cương, dân chủ, chuyên nghiệp, sáng tạo. Mỗi khâu khác nhau của công tác cán bộ đều tham dự trực tiếp hoặc gián tiếp vào hình thành đạo đức và điều tiết lề lối làm việc của mỗi cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó, bao hàm cả giám sát lề lối, phong cách làm việc, đặc biệt là trong các mối quan hệ với người, với công việc, với chính bản thân cán bộ về những cam kết chính trị trước đó.
Thứ ba, đổi mới chương trình đào tạo cán bộ, đảng viên theo hướng xây dựng lề lối, phong cách làm việc khoa học, dân chủ, kỷ cương, chuyên nghiệp, sáng tạo, hiện đại đối. Đồng thời, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ tư, thực hiện tốt việc nêu gương người cán bộ, đảng viên mẫu mực, đạo đức liêm chính, chí công vô tư, có tinh thần phục vụ nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu phải nêu cao tinh thần, ý thức tự rèn giũa bản thân, tu dưỡng đạo đức, góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Lấy đức để cầm quyền là một đặc trưng, bản chất riêng có của Đảng ta, tất cả hướng tới mục tiêu cao cả xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cao Hiệu
[1] E.V. Côbêlép: Hồ Chí Minh (tiếng Nga), Nxb Khoa học, Mátxcơva, 1979, tr.121.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.2, tr.261-263
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.262.
[4] Nguyễn Ái Quốc: Đường Kách mệnh, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1982, tr.22-23.
[5] Nguyễn Ái Quốc: Đường Kách mệnh, Sđd, tr.22-23.
[6] Nguyễn Ái Quốc: Đường Kách mệnh, Sđd, tr.22-23.