Đánh giá đúng tình hình
Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có độ mở lớn trên thế giới - lên tới 200% GDP (tính theo giá trị xuất nhập khẩu/tổng sản phẩm quốc nội - GDP). Theo các chuyên gia kinh tế, trong một thế giới vận động bình thường, độ mở của nền kinh tế lớn cũng tạo ra các cơ hội lớn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, độ mở của nền kinh tế càng lớn thì càng dễ bị tổn thương, dễ bị tác động ngay và sâu trên nhiều mặt, sức chống chịu sẽ càng bị thu hẹp khi có một tác động nào đó không thuận từ bên ngoài.
Điều này có thể cảm nhận rõ qua cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã cho thấy rõ hơn về sự đứt gãy cả từ phía “cung” lẫn “cầu” của nền kinh tế thế giới.
Cụ thể, nếu như sự đứt gãy nguồn cung xảy ra ở giai đoạn đầu của dịch bệnh thì sự đứt gãy về phần cầu chủ yếu lại là những đối tác thương mại lớn của nền kinh tế Việt Nam khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp tại các quốc gia này. Đó cũng là khó khăn đòi hỏi Việt Nam phải tính đến trong việc phục hồi nền kinh tế.
Cần nhiều giải pháp để tái cấu trúc nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. |
Theo các chuyên gia, để có thể bù đắp được mức giảm cầu ở bên ngoài nhằm thúc đẩy nhanh hơn sự phục hồi nền kinh tế, thì cùng với việc tận dụng giao thương để thúc đẩy tăng trưởng, tận dụng các lợi thế có được từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chất lượng cao như CPTPP, EVFTA, thì quan trọng là phải củng cố nội lực.
Từ thực tế khó khăn do doanh nghiệp phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiều nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, phải có các giải pháp để phát triển công nghiệp phụ trợ, chủ động nguồn lực từ trong nước thông qua thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI của các công ty đa quốc gia lớn từ nước ngoài sang Việt Nam.
“Phải đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay, các ngành công nghiệp xuất khẩu hướng đến xuất khẩu của nước ta chủ yếu đang là ngành công nghiệp gia công lắp ráp. Tỷ lệ phụ tùng trong nước rất thấp. Vì vậy, khi có sự cố xảy ra như dịch bệnh Covid-19 vừa rồi lập tức làm cho chuỗi giá trị bị đứt gãy và rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.
Muốn làm được điều đó, theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trước hết phải kiểm điểm cho đúng sức chống chịu của nền kinh tế trong nước sau chống dịch ở cả 3 chủ thể: ngân sách Nhà nước - doanh nghiệp và người dân/người lao động; Phải đặt ra những kịch bản cụ thể để từ đó có giải pháp phù hợp.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng, giải pháp tiên quyết vẫn phải là khôi phục sản xuất, bảo đảm việc làm trên cơ sở các nguồn lực hiện có thông qua triển khai có hiệu quả các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế mà Chính phủ đã ban hành.
“Phải có một cái đích rất rõ là làm sao để với số tiền hỗ trợ ít, mà hỗ trợ không phải chỉ là để cho các doanh nghiệp sống mà sau đó nền kinh tế đứng dậy được. Thứ 2, không phải chỉ có nền kinh tế đứng dậy mà đây còn là cơ hội để nhập cuộc vào một sân chơi mới, nên dành một phần nguồn lực đó cho những doanh nghiệp khởi nghiệp. Có thể là chưa ra đời, nhưng phải chuẩn bị một lực lượng doanh nghiệp cho tương lai. Tôi cho rằng, đây là điểm cực kỳ quan trọng. Thứ 3, đây là cơ hội để thay đổi hệ thống cơ chế chính sách để làm sao tính trói buộc ít đi, tính công khai, minh bạch tăng lên; là cơ hội để thay đổi cách tiếp cận, xây dựng một hệ thống chính sách cho đơn giản và bảo đảm được tính thị trường”, ông Trần Đình Thiên cho hay.
Tiềm năng nội địa đến lúc được khai thác
Hiện, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, song thế giới vẫn còn hơn 200 quốc gia đang có dịch với những diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng với sự chủ động của các ngành công nghiệp cơ bản, lĩnh vực thương mại, hàng không, du lịch, dịch vụ của Việt Nam vốn hướng ngoại, thậm chí “sính ngoại” giờ đã nhìn rõ tiềm năng của hai từ “nội địa” trong chiến lược toàn cầu hóa.
Đây cũng là thời điểm để Việt Nam đẩy mạnh việc ứng dụng cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi hoạt động của đời sống chính trị, kinh tế xã hội. Nhiều doanh nghiệp, ngành nghề đã chớp được cơ hội từ dịch Covid-19 mang lại sự tăng trưởng nhanh hơn, nhiều hơn, có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.
Hiện, nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp tiếp tục tác động tới trong nước. Trong khi đó, nội tại của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” ở tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, việc cải thiện môi trường kinh doanh chưa theo kịp với thực tiễn của đời sống kinh tế và vẫn còn rủi ro trong chống chọi với những thách thức từ bên ngoài. Vì vậy, thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục củng cố ổn định kinh vĩ mô gắn với vi mô nhằm tạo ra “vùng đệm” để cả nền kinh tế cũng như từng doanh nghiệp có thể chống đỡ với những tác động từ bên ngoài.
Sự đảm bảo về nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu - là cơ sở quan trọng để an sinh, an dân và chiến thắng dịch bệnh. Điều đó cũng đồng nghĩa nông nghiệp vẫn luôn là thế mạnh, là nền tảng trong phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cả 3 phương diện: tái cấu trúc thị trường, tái cấu trúc sản phẩm và tái cấu trúc về tổ chức sản xuất nông nghiệp; trên cơ sở áp dụng khoa học công nghệ, áp dụng cách thức tổ chức sản xuất và lấy tiêu chuẩn phổ biến toàn cầu để áp dụng cho tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nông sản của Việt Nam.
Cần tận dụng tối đa các cơ hội có được trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các hiệp định thế hệ mới, chất lượng cao như CPTPP, EVFTA, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu, phát triển đồng bộ các ngành kinh tế quan trọng gắn với thương mại xuất nhập khẩu và khai thông thị trường nội địa trong bối cảnh “bình thường mới”./.
Theo VOV