Phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế là tất yếu khách quan trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Nhiệm vụ kinh tế căn bản, hàng đầu của thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là thực hiện phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức nhằm tăng năng suất lao động, tạo ra cơ sở vật chất - kỹ thuật vững chắc cho nền kinh tế. Đây là nhiệm vụ mang tính quy luật. Gắn với đó, là sự đa dạng của các quan hệ sản xuất (trong đó có quan hệ sở hữu). Mỗi hình thức sở hữu đều thể hiện vai trò nhất định trong việc thúc đẩy quá trình giải phóng mọi nguồn lực trong xã hội. Nói cách khác, sự tồn tại của nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế ở Việt Nam (trong đó có kinh tế tư nhân) trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan.
Về bản chất, kinh tế tư nhân bản chất là thành phần kinh tế mà toàn dân có thể tham gia; luôn năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường và mang sẵn tố chất “cần cù và linh hoạt” của người Việt Nam. Do vậy, phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Qua đó cho thấy khát vọng của Đảng và nhân dân ta về một nước Việt Nam cường thịnh, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.
Kinh tế tư nhân - động lực quan trọng của nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Khu vực kinh tế tư nhân góp phần khơi dậy và phát huy nội lực, tiềm năng về vốn, đất đai, lao động, kinh nghiệm sản xuất của mọi người dân (trong đó có đội ngũ đảng viên), tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quyền làm chủ của nhân dân, trước hết là quyền làm chủ về kinh tế được phát huy, là cơ sở để mở rộng quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực khác.
Từ khi được được Đảng ta thừa nhận là bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (năm 1991), kinh tế tư nhân đã phát triển sâu rộng trong mọi lĩnh vực và trong cả nước, có những đóng góp hết sức quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế cũng như giải quyết các vấn đề xã hội, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, tăng ngân sách nhà nước, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an sinh xã hội của đất nước.
Văn kiện Đại hội XIII khẳng định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế và được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được hỗ trợ thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao.
Sen Trần