Nhận diện điểm yếu
Tính đến nay, Bình Định đã có 4 đơn vị cấp huyện là huyện Tuy Phước, TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hiện Bình Định có 86/121 xã công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 71,07%; bình quân đạt 17,3 tiêu chí/xã, vượt chỉ tiêu so với nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng đã đạt kết quả tích cực, hiện Bình Định có 71 chủ thể với 81 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Sự đổi thay của các vùng nông thôn ở Bình Định hiện nay cho thấy chương trình xây dựng NTM không chỉ tạo nên diện mạo mới, mà còn đi vào chiều sâu, đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Tuy vậy, vẫn còn những điểm yếu mà Bình Định cần phải khắc phục để lộ trình xây dựng NTM trong giai đoạn kế tiếp được "thong dong". Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh Bình Định, trong giai đoạn 2018-2020, Bình Định có 13/13 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao nhưng không đạt, vì không đảm bảo tối thiểu có 80% tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình tập trung theo tiêu chí 11.1.
Theo các địa phương đăng ký chương trình xây dựng NTM nâng cao, việc phải có ít nhất 80% tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ công trình tập trung là “bất khả thi” trong bối cảnh hiện nay. Ví như ở xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước), địa phương về đích NTM trước thời hạn với nhiều thành tích rõ ràng vẫn bị “lỡ hẹn” với NTM nâng cao. Sau khi hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2015, xã Phước Hưng tiếp tục phát huy nội lực, vận động nhân dân địa phương đăng ký xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020. Đến năm 2020, Phước Hưng cơ bản đạt 12/13 tiêu chí nâng cao; nhưng riêng khoản cung cấp, sử dụng nước sạch theo tiêu chí 11.1 đến nay vẫn chưa đạt.
Nguyên do xã Phước Hưng có 7 thôn với 3.680 hộ, hơn 12.380 nhân khẩu, thế nhưng hiện mới có 33 hộ ở thôn Quảng Nghiệp, khu dân cư giáp với phường Bình Định (TX An Nhơn) là được sử dụng nước sạch từ hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tập trung của Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định. Số còn lại hầu hết sử dụng nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, tại nhiều khu dân cư, nguồn nước này bị nhiễm phèn, nhiễn mặn nên người dân phải dùng hệ thống lọc mới có thể sử dụng. Vậy là dù đã rất cố gắng nhưng Phước Hưng vẫn không đạt các tiêu chí của chương trình xây dựng NTM nâng cao.
Thêm vào đó, nhiều xã đạt NTM chưa có giải pháp, kế hoạch cụ thể để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vẫn đang là thách thức lớn, trong khi ngành chức năng và chính quyền các địa phương chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết. Một mối quan tâm lớn mà những người có trách nhiệm ở Bình Định đang đau đáu là dù đã có nhiểu cố gắng cải thiện, nhưng thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn còn thấp và không ổn định.
Thêm vào đó, bộ máy chuyên trách thực hiện xây dựng NTM ở các địa phương còn thiếu; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Việc nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn còn nhiều hạn chế.
Tâm huyết là nguồn lực chủ đạo
Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM cấp tỉnh, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh Bình Định, yêu cầu cả hệ thống chính trị trên địa bàn cần tập trung nguồn lực để thực hiện Chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn 2021-2025.
Ông Dũng nhấn mạnh: “Tâm huyết chính là nguồn lực chủ đạo trong xây dựng NTM . Nguồn lực tài chính dồi dào, địa phương có nhiều thuận lợi mà lãnh đạo không có tâm huyết thì thực hiện sẽ chệch choạc. Có tâm huyết thì ngành chức năng, lãnh đạo các địa phương mới nỗ lực hết mình trong quá trình thực hiện xây dựng NTM”.
Ông Dũng chỉ đạo trong thời gian tới đây, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Định cần phải xây dựng chương trình, kế hoạch đầu tư xây dựng NTM thật cụ thể. Các sở, ngành, địa phương tùy theo chức năng, nhiệm vụ đánh giá lại các tiêu chí NTM, NTM nâng cao; xác định mức độ các tiêu chí đã đạt cũng như các tiêu chí chưa đạt để đầu tư phù hợp, có chiều sâu, tránh tình trạng đầu tư dàn trải. Bên cạnh đó, rà soát lại cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình, thu hút doanh nghiệp tham gia.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định khẳng định kinh phí thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 không thấp hơn giai đoạn trước, nhưng tỉnh Bình Định sẽ ưu tiên hỗ trợ cho huyện, xã nằm trong kế hoạch đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao năm 2021. Trong đó có việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung, nhà máy xử lý rác thải nhằm giải quyết khó khăn về nước sạch và rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn.
“Các cấp, các ngành, hội đoàn thể phải tăng cường công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình. Sở NN-PTNT và các địa phương đẩy mạnh đề án tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP, xây dựng nhiều chuỗi liên kết để phát triển bền vững. Sở KH-CN và Sở TN-MT phải nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh về công nghệ xử lý rác thải ở khu vực nông thôn.
Các Sở, ngành khác phải phối hợp với chính quyền các địa phương đầu tư xây dựng các công trình gắn với việc tổ chức quản lý, vận hành nhằm phát huy hiệu quả đầu tư. Các địa phương cũng phải đánh giá lại mức độ hoàn thành các tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí; để từ đó đề ra giải pháp chỉ đạo thực hiện phù hợp, lồng ghép các chương trình dự án và huy động nguồn lực trong dân để thực hiện xây dựng NTM, không được trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực của Trung ương và tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng chỉ đạo.
“Giai đoạn 2021-2025, Bình Định sẽ phấn đấu đạt các chỉ tiêu về địa phương đạt chuẩn NTM; địa phương đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; số tiêu chí đạt chuẩn theo quy định của Trung ương. Trong giai đoạn này sẽ có thêm 3 huyện đạt chuẩn NTM, gồm: Phù Cát, Phù Mỹ và Tây Sơn; nâng tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh là 7/11 huyện, thị xã, thành phố. Về cấp xã thì có 90% số xã đạt chuẩn NTM; trong đó có 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5% số xã đạt NTM kiểu mẫu, đặc biệt là không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định./.