Với mức độ khác nhau và theo lộ trình thời gian khác nhau, các nước trên thế giới hiện đang đi vào thời kỳ chung sống với dịch bện Covid-19. Dịch bệnh này chỉ có thể được coi là chấm dứt khi con người trên trái đất có được vaccine phòng ngừa và thuốc đặc trị.
Câu hỏi tiếp theo chúng ta đặt ra là “Liệu khi nào mọi thứ sẽ trở lại bình thường?” Câu trả lời có lẽ sẽ là “Không bao giờ”. Vậy thì chúng ta sẽ quay lại một cuộc sống bình thường, nhưng là một cuộc sống bình thường với những thói quen và hành vi mới!”. Điều đó không có nghĩa bỏ hết những thói quen, lề lối cũ mà chúng ta phải nhìn ra những điều cần thay đổi để thích ứng trong điều kiện mới, sau những ngày chống dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xác lập tình trạng bình thường mới trong cuộc sống và các hoạt động kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP
Đó là sự thay đổi trong nhận thức đòi hỏi chính quyền và người dân phải xác định ngay từ đầu và kiên định tâm thế là phải chung sống nhưng chung sống yên ổn và an toàn với dịch bệnh, phải tiếp tục phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn dai dẳng trên thế giới và phải luôn hướng cái nhìn về thời kỳ sau dịch bệnh.
Đó là sự thay đổi trong thói quen và hành vi của người dân với sự tham gia nhiều hơn của công nghệ, yêu cầu chất lượng dịch vụ cao hơn, an toàn hơn; người tiêu dùng sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn, thị trường hẹp hơn, chi phí tiêu dùng hạn chế... Mua sắm trực tuyến tăng lên, người tiêu dùng giảm tần suất đi chợ thực phẩm tươi, chuyển sang sử dụng thịt đông lạnh và thực phẩm đóng gói.
Nhiều thói quen, ý thức xã hội dần sẽ tạo ra những thói quen an toàn hơn. Điển hình nhất là việc đeo khẩu trang khi tham gia sinh hoạt cộng đồng như đi học, đi chợ, đi du lịch, trên phương tiện giao thông công cộng, khi gặp gỡ giao lưu với người khác. Hoặc việc tụ tập ăn uống nhậu nhẹt với số đông sẽ được hạn chế và thay vào đó là thói quen “về nhà ăn cơm” hoặc chỉ đến những nơi đảm bảo an toàn.
Đó là sự thay đổi trong các tiếp cận thị trương của doanh nghiệp. Thị trường du lịch hướng đến cách tiếp cận mới nhắm đến khách trong nước, khi du khách nước ngoài vẫn chưa quay lại với xu hướng người dân không còn đi xa, đến chỗ đông người mà chuyển sang đi gần, tụ tập trong không gian nhỏ.
Thị trường bán lẻ cũng bị xâm chiếm bởi thương mại điện tử, các hoạt động khuyến mãi, hỗ trợ bán hàng, sự kiện thu hút đông người không còn diễn ra, người dân đang làm quen với "giãn cách 2m", mua sắm qua mạng, qua app...Các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác cũng đang muốn quay trở lại thị trường với kịch bản riêng, đưa ra các sản phẩm phù hợp với tâm lý tiêu dùng, đặt sự an toàn lên trên hết, phát triển bền vững, linh hoạt và không phụ thuộc.
Cơ quan quản lý không thể theo cách làm cũ mà phải thể hiện vai trò kiến tạo để có những chính sách, quy chế mới cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ở tầm vĩ mô, phòng chống dịch phải được xem là chiến lược lâu dài. Phải thay đổi cả tâm lý doanh nghiệp đến tâm lý xã hội để tìm cách thích nghi, sống chung với nó. Phòng chống dịch tốt nhưng phải tạo năng lượng cho dòng chảy hàng hóa, khôi phục sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội
Một số chuyên gia cho rằng cần thực thi chiến lược “bật-tắt”, tức là nới lỏng khi dịch lắng xuống, cách ly nghiêm ngặt khi dịch có dấu hiệu quay trở lại, sẽ giúp tạo ra sự linh hoạt để duy trì hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định, đồng thời đảm bảo ngăn chặn dịch kịp thời. Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, phát triển dịch vụ công trực tuyến, y tế số, giáo dục số, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử và kinh tế số. Hướng dẫn, từng bước phổ cập kỹ năng số cho đông đảo người dân, là lực lượng chính sử dụng các dịch vụ Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số trong tương lai.
Việc chuyển từ trạng thái chống dịch sang trạng thái bình thường mới đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành với sự tham gia tích cực, hiểu biết và nghiêm túc của người dân trong một lộ trình khác nhau cho các loại hoạt động khác nhau trong một quá trình dài để mỗi địa phương và đất nước phục hồi đời sống, sản xuất kinh doanh nhanh nhất. Sự thay đổi của mỗi cá nhân và sự chuyển dịch tầm quốc gia ở tất cả lĩnh vực chính là yếu tố căn bản để xây dựng cuộc sống bình thường mới đảm bảo chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn nhằm ổn định và phát triển kinh tế-xã hội.
PV tổng hợp