Triển khai nhiều chương trình ưu đãi
Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, có 87,2% doanh nghiệp ở hầu hết các ngành nghề, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, như khó tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng đứt gãy, mất cân đối dòng tiền... Trong khi đó, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Jacques Morisset cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, buộc phải giảm lao động, giảm hoạt động. Xu hướng điều chỉnh này sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Cả nước hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do tiềm lực tài chính và quản trị còn yếu nên doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ bị tổn thương. Để hỗ trợ những doanh nghiệp này, ngay từ khi dịch Covid-19 xảy ra, các ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi với những điều khoản đơn giản nhất.
Mới đây, Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) triển khai gói hỗ trợ dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo đó, HDBank ban hành chính sách tự động giảm lãi suất cho vay đến 4,5%/năm mà không cần khách hàng phải chứng minh khó khăn. Bên cạnh đó, ngân hàng này còn ưu đãi lãi vay cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ khi thuê mặt bằng.
Còn Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai gói tín dụng ngắn hạn lãi suất ưu đãi với quy mô 10.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh xuất, nhập khẩu. Theo đó, kỳ hạn đến 3 tháng có lãi suất từ 3,8%/năm đến 5,5%/năm; kỳ hạn 3 tháng đến 6 tháng lãi suất từ 4%/năm đến 6%/năm… Khoảng 300.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được BIDV hỗ trợ, với tổng dư nợ hơn 320.000 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) tăng quy mô gói cho vay ưu đãi lãi suất trung, dài hạn lên đến 50.000 tỷ đồng, thời gian ưu đãi lên tới 36 tháng dành cho khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Lê Đức Thọ, việc nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo đà phục hồi trong năm 2021.
Giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 3-2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ hơn 353.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 660.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cho hơn 452.000 khách hàng vay mới hơn 3 triệu tỷ đồng, với lãi suất thấp hơn so với trước dịch.
Từ góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và nội thất Quỳnh Chi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) Mai Văn Bằng cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng, hàng hóa khó tiêu thụ… Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của ngân hàng nên doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn. “Kể từ đầu năm 2021 đến nay, chúng tôi nhận được đơn đặt hàng trở lại. Trong bối cảnh khó khăn, việc được vay vốn với lãi suất chỉ khoảng 5%/năm là một hỗ trợ lớn đối với chúng tôi”, ông Mai Văn Bằng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hà, chủ cơ sở gia công quần áo trẻ sơ sinh trên phố Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy cũng cho hay: “Tôi đã có kế hoạch dừng kinh doanh sau tác động của dịch Covid-19 năm 2020. Song nhờ được ngân hàng giải ngân số vốn với lãi suất ưu đãi, chỉ hơn 5%/năm mà không yêu cầu chứng minh tài sản, tôi có điều kiện hồi phục hoạt động kinh doanh”.
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, bên cạnh các chính sách về thuế, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng rất cần sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng. Ðể kéo giảm lãi vay, cần có một tổ hợp tín dụng đi kèm với bảo lãnh tín dụng. Theo đó, các ngân hàng tùy khả năng sẽ đóng góp vốn. Gói vốn cho tổ hợp tín dụng nên ở mức 300.000 tỷ đồng và cho vay tín chấp với lãi suất 3-5%/năm.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Ðào Minh Tú khẳng định, các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn cũng chính là cách sử dụng hiệu quả nguồn vốn, giảm áp lực nợ xấu, mở rộng quy mô và tăng lợi nhuận. Vì vậy, trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện giúp khách hàng vay mới phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên...
Theo Hanoimoi.com.vn