Một trong những nguyên nhân dẫn tới biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ đảng viên là việc giáo dục đạo đức cách mạng, truyền thống lịch sử chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, những giá trị truyền thống tốt đẹp đã được bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà biểu hiện đỉnh cao đó là lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết toàn dân; ý thức đồng cam cộng khổ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; nhân ái bao dung, nhường cơm sẻ áo... chưa thực sự được thẩm thấu vào mỗi cán bộ, đảng viên, trở thành sức mạnh nội sinh để “kháng cự” lại những cám dỗ tầm thường. Cũng từ đó nảy sinh những căn bệnh tồn tại khá phổ biến trong giai đoạn hiện nay như: vô cảm, xa vào những cám dỗ tầm thường, phai nhạt lý tưởng, thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng...
Nhìn về truyền thống lịch sử, nhớ về cội nguồn với những hy sinh cao đẹp của cha ông cho đất nước có tác dụng nuôi dưỡng tư tưởng, tâm hồn thế hệ sau để họ sống và làm việc xứng đáng với các thế hệ đi trước. Vì vậy mỗi thế hệ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ phải được hiểu kỹ về truyền thống lịch sử nước nhà, phải được tắm mình vào dòng chảy lịch sử của dân tộc. Nếu không có niềm tự hào về dân tộc, tự hào về nền văn hóa dân tộc sẽ không thể vững tin vươn tới tương lai.
Đại hội XIII của Đảng xác định: “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Điều đó, đòi hỏi phải ra sức kế thừa và phát huy giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc và con người Việt Nam đã được vun đắp nên qua lịch sừ hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình -làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... Các giá trị và sức mạnh đó của văn hóa và con người Việt Nam đã làm nên nền tảng tinh thần vững chắc của dân tộc ta; trở thành sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng của phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống lịch sử góp phần quan trọng vào việc đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ đảng viên, cần xác định giáo dục truyền thống lịch sử là nguồn sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển bền vững đất nước, là “sức đề kháng” để chống lại “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên:. Trải hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã rèn đúc, tôi luyện cho mình nhiều phẩm chất tốt đẹp; những giá trị đó cần được tiếp tục phát huy trong sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững đất nước hiện nay.
Khơi dậy, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đoàn kết cộng đồng, mỗi người dân thực sự là một “chiến sĩ trên mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” để tăng cường, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc.
Phải thường xuyên bồi đắp làm giàu cho truyền thống lịch sử - văn hóa Việt Nam với ý nghĩa là cội rễ của dân tộc, bản sắc riêng có của con người Việt Nam. Điều cơ bản và trước hết là phải làm bằng được việc thường xuyên bồi bổ cho lịch sử - văn hóa, để cho cốt cách văn hóa dân tộc thấm sâu vào tâm lý quốc dân. Một khi sao nhãng công việc đó thì tự mình sẽ đánh mất mình.
Các cấp ủy tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử với những hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng; các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống lịch sử trong các cấp học để phát huy tác dụng của các công trình lịch sử; góp phần xây dựng, củng cố niềm tin, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Kiên quyết và kiên trì đấu tranh với các quan điểm sai trái, những luận điệu xuyên tạc phủ định sự thật lịch sử nhằm kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Ngành văn hóa, văn học - nghệ thuật, cần đi sâu khai thác đề tài về truyền thống lịch sử cách mạng, đặc biệt là những trang sử hào hùng của dân tộc và những tấm gương chiến đấu hy sinh của những người con ưu tú của dân tộc vì tự do, độc lập của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Qua đó, bồi đắp thế giới quan, nhân sinh quan cho thế hệ trẻ, giúp họ nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm đối với đất nước, hình thành suy nghĩ, hành động vì cộng đồng.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác giáo dục truyền thống lịch sử cần được vận dụng bằng nhiều hình thức sinh động, phong phú nhằm thấm sâu vào mỗi người lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần tự hào dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Đức Văn