Người dân mua vé về quê tại bến xe trung tâm TP Đà Nẵng. Ảnh: intetnet
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến rất gần, nhưng số ca mắc COVID-19 trong cả nước vẫn ở mức trung bình 16.000 ca/ngày.
Tính từ 16 giờ ngày 19/1 đến 16 giờ ngày 20/1, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.715 ca nhiễm COVID-19 mới; chiều 19/1 ghi nhận 15.959 ca nhiễm; chiều 18/1 ghi nhận 16.838 ca nhiễm; chiều 17/1 ghi nhận 16.378 ca nhiễm mới… Những con số này đặt ra câu hỏi: Chúng ta sẽ đón Tết cổ truyền như thế nào để bảo đảm an toàn?
Sau những tháng ngày căng mình chống COVID-19 với các biện pháp cách ly y tế ở quy mô lớn (tỉnh/thành, quận/huyện), đồng thời truy vết F0, F1 và F2, thì những lo lắng, bất an về tình hình dịch bệnh vẫn canh cánh trong mỗi người, mỗi gia đình, nhất là khi số ca nhiễm cộng đồng hiện ở mức cao và nước ta đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron.
Thế nên, cũng thật dễ hiểu khi các địa phương đưa ra những quy định khác nhau đối với người về quê ăn Tết nhằm hạn chế mức thấp nhất phát sinh các ca nhiễm cộng đồng cho địa phương đó. Tuy nhiên, việc mỗi địa phương mỗi phách như thế là trái với Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Một số địa phương có cách làm cứng nhắc như xã Nam Cao, huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình); xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) khóa trái cửa với những gia đình có người thân trở về từ vùng đỏ. Một số tỉnh như Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Sơn La, Quảng Nam, do lo ngại bùng dịch nên đã kêu gọi người dân không về quê nếu không cần thiết…
Sự không thống nhất, mạnh địa phương nào địa phương nấy làm gây tâm lý hoang mang, e ngại cho người dân vì không biết về quê ăn Tết thì có phải cách ly không, dù họ đã được tiêm 2-3 mũi vaccine.
Trong lúc Hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế về thích ứng an toàn với COVID-19 quy định chỉ cách ly với người đến từ khu vực đang cách ly y tế hoặc vùng đỏ, thì có những địa phương tiến hành "cách ly tập trung cả những người trở về từ vùng cam"; hoặc "người từ vùng cam cách ly tại nhà 7 ngày"; "người từ vùng vàng đã tiêm đủ liều tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày"; "người chưa tiêm đủ liều vaccine hoặc mũi hai chưa qua 14 ngày thì tự theo dõi sức khỏe 14 ngày"… Nếu đọc hết quy định của 63 tỉnh/thành thì thật hoa cả mắt và không hiểu chúng ta đang "thích ứng an toàn, linh hoạt" với dịch bệnh theo kiểu gì!
Về quê vào dịp Tết Nguyên đán là nhu cầu chính đáng. Nhiều người đi làm ăn xa quê chỉ chờ mong Tết để trở về đoàn viên cùng gia đình, đi viếng mộ, thắp hương ở bàn thờ tổ tiên và đón cái Tết ấm áp tình thân. Dịch bệnh vốn làm đường về trở nên xa xôi hơn, thì chính các quy định cứng nhắc về việc cách ly càng làm đường về thêm phần cách trở.
Hơn nữa, mục tiêu phủ vaccine toàn dân là để chấp nhận sống chung an toàn với dịch, tạo điều kiện cho dân đi lại, làm việc, sinh hoạt thường ngày. Hiện tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên của nước ta đạt 100%; tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản (2 mũi) đạt 93,4%; tỷ lệ tiêm liều nhắc lại đạt 13,1% dân số từ 18 tuổi trở lên. Dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý 1-2022.
Đến nay, mỗi người dân cũng có nhiều thông tin về COVID-19 và các biến thể; hiểu về sự cần thiết của quy định 5K. Khả năng phòng chống dịch của y tế tuyến đầu và tuyến cơ sở đều tốt hơn. Theo đó, các địa phương nên có biện pháp "thích ứng an toàn, linh hoạt", thay vì sợ trách nhiệm mà làm khó người dân về quê ăn Tết.
Ngày 17/1, Bộ Y tế có văn bản gửi chủ tịch UBND tỉnh/thành về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp. Ngày 19/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký công điện của Thủ tướng yêu cầu các địa phương không đặt ra những quy định về phòng chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế và của Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho người dân, nhất là trong dịp về quê ăn Tết. Hy vọng những quy định theo kiểu "tự phát" mà không dựa trên cơ sở khoa học và sự nhất quán của Trung ương sẽ sớm được chấn chỉnh để sự đoàn viên của các gia đình thêm đủ đầy mà vẫn bảo đảm an toàn trước COVID-19./.