Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch cộng đồng
Đối với xây dựng huyện NTM, mục tiêu đặt ra cả nước có ít nhất 50% số huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.
Nông thôn mới có đủ hồn cốt phải giải quyết hàng loạt vấn đề như giáo dục, đào tạo nghề, phát triển HTX. |
Đến năm 2025, cả nước sẽ có từ 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; phấn đấu 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí do UBND cấp tỉnh quy định.
Theo đó, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đặt ra yêu cầu chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được thiết kế không chỉ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng mà chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng cư dân trong xã hội nông thôn. Chương trình kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa kinh tế-văn hóa và xã hội trên địa bàn nông thôn.
Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, thời gian qua, huyện Mộc Châu (Sơn La) đã đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí. Hiện, toàn huyện có 7/13 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Bình quân mỗi xã đạt 15,84 tiêu chí NTM. Các nguồn lực kinh tế được huy động, lồng ghép đầu tư hiệu quả đã thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn của Mộc Châu phát triển.
Cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, huyện Mộc Châu đang tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để tập trung xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM... Đây là những điều kiện quan trọng để Mộc Châu hoàn thành các tiêu chí NTM và NTM nâng cao.
Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Mộc Châu thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu trên địa bàn: Thường xuyên chỉ đạo rà soát, đánh giá tình hình sản xuất các loại nông sản chính của huyện và hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX lập kế hoạch sản xuất, tiêu thụ theo nhu cầu của các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể, siêu thị, cửa hàng. Tổ chức thúc đẩy hỗ trợ liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị khép kín.
Đặc biệt, với nền sinh thái nông nghiệp tốt, nhiều dân tộc với những bản sắc văn hóa phong phú là những lợi thế quan trọng để Mộc Châu phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Huyện đã hướng dẫn HTX du lịch bản Áng, xã Đông Sang triển khai ý tưởng “Không gian văn hóa bản Áng - Chợ phiên trải nghiệm văn hóa người Thái”; thực hiện Dự án “Quản lý toàn diện điểm đến du lịch” gồm xây dựng khu phố đi bộ - chợ đêm.
Một NTM có đủ hồn cốt phải giải quyết hàng loạt vấn đề
Không chỉ Mộc Châu mà nhiều địa phương ở tỉnh Sơn La cũng đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, trong đó phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với khu vực kinh tế tập thể được đẩy mạnh. Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 770 HTX và 6 liên hiệp HTX. HTX có vai trò quan trọng, tác động tích cực đối với phát triển nền kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần vào việc cung ứng hàng hóa tiêu dùng nhằm ổn định giá cả thị trường, đóng góp tích cực vào tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững.
Để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1.000 HTX (mỗi năm thành lập mới thêm khoảng 85 HTX; tổng đóng góp cho ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 55 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 14.000 lao động.
Định hướng phát triển HTX của tỉnh là ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; Phát triển HTX trên cơ sở xác định lợi ích kinh tế là chính, bao gồm cả lợi ích của thành viên, của tập thể và lợi ích của xã hội, của Nhà nước; đồng thời coi trọng lợi ích về chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, từ đầu năm 2022 đến nay, Sơn La đã tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra ngoài tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ, tuần hàng tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh... để tăng cơ hội giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông, lâm, thủy sản. Qua đó, nhiều sản phẩm đã được hỗ trợ, thúc đẩy liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng tiêu thụ.
Ông Lê Văn Kính, Giám đốc HTX Nuôi ong mật Sông Mã chia sẻ, sản phẩm mật ong của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, với sản lượng 50 tấn mật/tháng. HTX đã đưa sản phẩm trên các website giới thiệu nông sản, thực phẩm an toàn, vừa chú trọng giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện truyền thông vừa tham gia các hội chợ, triển lãm, nhất là tham gia festival, giúp sản phẩm có cơ hội lan tỏa đến người tiêu dùng trong cả nước. Đến nay, ngoài các cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm của HTX đã có mặt tại một số siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Nhìn nhận trên thực tế, ông Tăng Minh Lộc, nguyên Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương nhấn mạnh, một NTM có đủ hồn cốt phải giải quyết hàng loạt vấn đề như giáo dục, đào tạo nghề, phát triển HTX, đưa nhiều doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp, nông thôn, bảo hiểm nông nghiệp, xử lý đất đai, môi trường, phát triển văn hóa… Đây là con đường để các địa phương đẩy mạnh thực hiện NTM, NTM nâng cao.