Còn nhiều tồn tại, hạn chế
Kể từ khi triển khai Luật Hợp tác xã 2012, các hợp tác xã chuyên ngành do những cá nhân có cùng nguyện vọng tự nguyện thành lập đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững, xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm; áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường...
Hiện, Hà Nội có 70 hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 50 hợp tác xã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 180 sản phẩm của 53 hợp tác xã được thành phố công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng hợp tác xã chuyên ngành hiện nay vẫn còn hạn chế. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp cũ sau khi chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã 2012 hoạt động mờ nhạt, chưa thực sự hiệu quả, lợi ích mang lại cho thành viên chưa cao, chậm đổi mới về phương thức sản xuất.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chính là do năng lực của đội ngũ cán bộ hợp tác xã hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu công việc: Độ tuổi trung bình cao, làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, khả năng tiếp thu khoa học, kỹ thuật hạn chế, chưa nhạy bén trong hoạt động kinh tế thị trường… Một số hợp tác xã có lãnh đạo trẻ, năng động, hoạt động có hiệu quả nhưng lại muốn chuyển sang làm việc tại UBND xã.
Mặt khác, nhiều hợp tác xã nông nghiệp sau chuyển đổi vẫn làm các dịch vụ truyền thống, hiệu quả không cao, không có môi trường sáng tạo nên chưa thu hút được những cán bộ có trình độ về quản lý và khoa học kỹ thuật về làm việc. Đặc biệt, thu nhập của đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã rất thấp, thậm chí không có lương mà chỉ có phụ cấp nên khó có thể giữ được cán bộ có năng lực cống hiến lâu dài.
Để “tấc đất“ thật sự là “tấc vàng“
Trong xu thế phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, nhiều nông dân thay vì sản xuất nông nghiệp đã chuyển sang làm công nhân tại khu công nghiệp hoặc các công việc khác… mang lại thu nhập cao hơn. Có nhiều nông dân không muốn sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng không cho doanh nghiệp, hợp tác xã thuê đất để có thêm nguồn thu... Do đó, để không bị triệt tiêu các động lực phát triển sản xuất nông nghiệp, Hà Nội cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng việc thành lập các hợp tác xã kiểu mới, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Về vấn đề này, các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp cần lưu ý 4 điểm sau: Thứ nhất, chọn vùng để tập trung diện tích được “liền vùng, gọn cánh”, phù hợp quy hoạch và lựa chọn sản phẩm. Thứ hai, chọn hạt nhân sáng lập và người đứng đầu của nhóm hạt nhân, có đủ năng lực, ý chí và hành động để thành lập hợp tác xã. Thứ ba, không làm thay việc của thành viên hợp tác xã. Thứ tư, thúc đẩy tập trung ruộng đất, tham gia cùng nhóm sáng lập viên trong tuyên truyền vận động những hộ trong quy hoạch không có nhu cầu tham gia sản xuất cho thuê đất và xác nhận hợp đồng cho thuê đất để các bên cùng yên tâm thực hiện các điều khoản.
Để tạo động lực mới cho các hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành, cần tập trung đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ quản lý trực tiếp ở các hợp tác xã và thành viên hợp tác xã; tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận với các doanh nghiệp, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại để kết nối sản phẩm vào các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, điểm giới thiệu và bán sản phẩm, các sàn thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến... giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Trên thực tế, có nhiều hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành đã thành công từ việc tập trung ruộng đất theo hình thức góp đất, thuê đất, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Cách làm này vừa bảo đảm đúng pháp luật hiện hành, vừa giúp người nông dân giữ được mảnh đất của gia đình mình để tạo thêm sinh kế, bảo đảm an sinh; đồng thời khắc phục được sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún hiệu quả thấp, chất lượng, sức cạnh tranh kém. Và, đây cũng là cơ sở để áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị.
Toàn thành phố hiện có 1.255 hợp tác xã nông nghiệp, gồm: 1.097 hợp tác xã đang hoạt động (87,41%), tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020; 158 hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể (12,59%). Hiện, tổng số cán bộ quản lý, điều hành hợp tác xã nông nghiệp là hơn 6.500 người, trong đó, trình độ cao đẳng, đại học là 1.140 người.
Theo Hanoimoi.com.vn