Hình minh họa: Tổ quốc
Bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam là yêu cầu rất cấp thiết
Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng ta quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để giữ gìn được những bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, lan tỏa các giá trị văn hóa tới bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế quốc gia…
Tầm quan trọng, vai trò, vị trí của văn hóa trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa được thể hiện qua các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, là cơ sở để các cơ quan chức năng cụ thể hóa, xây dựng được các chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Trong buổi gặp mặt với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cuối năm 2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là phát triển văn hóa đi đôi với tăng trưởng kinh tế, với tiến bộ và công bằng xã hội.
Đặc biệt, Luật Di sản văn hóa là văn bản quan trọng, tạo hành lang pháp lý để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
"Trong bối cảnh thế giới nhiều khó khăn, thách thức, việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam là yêu cầu rất cấp thiết và quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, kể từ sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn.
Chính di sản văn hóa là yếu tố cơ bản hình thành nên bản sắc văn hoá, giúp chúng ta có được sự tự tin và bản lĩnh để khẳng định những giá trị của dân tộc mình trong quá trình hội nhập quốc tế. Vì tầm quan trọng như thế nên việc chúng ta quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng là cách chúng ta hình thành sức mạnh tổng hợp của đất nước, bảo vệ chủ quyền văn hóa của quốc gia.
"Không phải tự nhiên, bất kỳ động chạm đến một di sản nào đều nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội. Mất đi di sản, mất đi dấu ấn thời gian, nơi đó sẽ đánh mất tinh thần, hồn cốt vốn có" - ông Bùi Hoài Sơn cho hay.
Tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đặt ra vấn đề cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Nhiều đại biểu cho rằng, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực.
Cấp thiết sửa Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho biết, Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009, là bước cụ thể hóa chính sách về bảo tồn di sản văn hóa theo Hiến pháp năm 1992 và tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VIII), cùng các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Với nỗ lực và sức đóng góp của toàn xã hội, qua 23 năm thực thi, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được một số thành tựu quan trọng, được Đảng, Nhà nước, nhân dân và quốc tế ghi nhận, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội…
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến nay, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tiếp tục được ban hành nhằm tăng cường định hướng cho hoạt động văn hóa, trong đó có di sản văn hóa, như: Nghị quyết số 33-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI; Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021...
Nhằm thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về đảm bảo "quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa" (Điều 41) và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay; thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, từ năm 2023, Bộ VHTTDL đã tích cực chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Dự án Luật được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội (Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023), được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì soạn thảo (Quyết định số 805/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024).
Về nguyên nhân cụ thể phải sửa đổi Luật, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho hay, dù là Luật về lĩnh vực chuyên ngành nhưng nhiều điều khoản, quy định của luật còn mang tính nguyên tắc chung chung hoặc chưa có các điều khoản giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định và hướng dẫn cụ thể, chưa thuận lợi cho việc triển khai trong thực tiễn như: quy định chi tiết về những hành vi bị cấm; về trình tự, thủ tục hủy bỏ xếp hạng, ghi danh di sản, hủy bỏ công nhận bảo vật quốc gia; thủ tục điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích; quy trình tiếp nhận giao nộp, phân chia, quản lý hiện vật, di vật, cổ vật sau khi khai quật khảo cổ; quy trình tiếp nhận, loại bỏ hiện vật ở di tích…
Ngoài ra, còn một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới trong Luật. Cụ thể, Luật Di sản văn hóa hiện hành chưa quy định nội dung các hoạt động, cơ chế để thu hút các nguồn lực của xã hội, huy động được sự đóng góp, tham gia của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa… trong khi thực tiễn xã hội hiện đại, các địa phương tập trung khai thác, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế – xã hội nên thu hút doanh nghiệp có đóng góp cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa….
Một số luật có sự đan xen với Luật Di sản văn hóa như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp… đã được sửa đổi, bổ sung có quy định liên quan đến di sản văn hóa cần được quy định trong Luật Di sản văn hóa đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật; các Công ước quốc tế, Chương trình có liên quan đến di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên cần nội luật hóa./.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bố cục gồm 9 chương 101 điều, tăng 2 chương, 27 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 74 điều), trong đó: bỏ 1 chương về khen thưởng và xử lý vi phạm, thành 03 chương mới là Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu (Chương V); Bảo tàng (Chương VI); Hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa (Chương VIII).
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 03 nội dung chính trong các chính sách đã được Quốc hội thông qua, bao gồm: “Chính sách 1: Hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng. Chính sách 2: Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương. Chính sách 3: Tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”.
Theo Tổ quốc