Theo Công an thành phố Hà Nội, qua các vụ việc, vụ án phạm tội đua xe, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng gần đây cho thấy: 34,8% đối tượng vi phạm dưới 16 tuổi, 46% từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi; đối tượng chủ yếu là học sinh cấp trung học phổ thông, 23,5% trong số đó là học sinh đã bỏ học, hơn 96% chưa có tiền án, tiền sự... 84% các vụ việc xuất phát do mâu thuẫn cá nhân từ trước, sau đó các đối tượng lên mạng xã hội Facebook chửi bới, thách thức nhau.
Riêng năm 2023, cơ quan công an đã điều tra 80 vụ là học sinh, sinh viên thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như tụ tập điều khiển mô tô lạng lách, đánh võng mang theo hung khí, trong đó có 418 học sinh tại các trường, chiếm 32,1%…
Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên, ngày 26-1-2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên. Thủ tướng đã yêu cầu sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngày 11-3-2024, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND về thực hiện Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn thành phố. Trong đó, UBND thành phố đặt mục tiêu phấn đấu 100% nhà trường xây dựng, duy trì ít nhất 1 mô hình về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật; tối thiểu 90% nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”; hằng năm giảm số vụ, số người phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến người học...
Có thể thấy, cùng với sự quản lý chặt chẽ của chính quyền các cấp thì nhà trường có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên. Vì vậy, các nhà trường cần xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật gắn với nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên của nhà trường trong năm học. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình người học trong công tác quản lý, giáo dục không để người học phạm tội, vi phạm pháp luật và đặc biệt quan tâm đối với người học có hoàn cảnh đặc biệt.
Trong các yếu tố tác động khiến trẻ vị thành niên có hành vi lệch chuẩn là môi trường sống; vai trò của nhà trường; vai trò của gia đình; tác động mặt trái xã hội, thì vai trò gia đình là quan trọng nhất. Nhiều gia đình đã buông lỏng giáo dục con em, không còn là “lá chắn an toàn” cho mỗi thành viên trước những sóng gió cuộc sống, dẫn đến phát sinh tội phạm và tệ nạn, đặc biệt trong thanh thiếu niên.
Thực tế cho thấy, gia đình có vai trò to lớn trong việc giáo dục nhân cách trẻ em. Để làm tốt vai trò đó, cha mẹ cần có kiến thức, nhận thức đầy đủ trong việc nuôi dạy và là tấm gương tốt để trẻ noi theo. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên, tạo nên những “lá chắn an toàn”, những “pháo đài vững chắc” giúp các em không bị sa ngã trước tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật.
Hà Nội mới