Thời gian qua, Hải Dương kiên định thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất trong điều kiện dịch bệnh được đưa ra mang lại hiệu quả, nhưng việc tiêu thụ nông sản vẫn còn nút thắt cần sớm được tháo gỡ.
So với các lĩnh vực khác, nông nghiệp là ngành đặc thù bởi tính mùa vụ. Sản xuất mất nhiều thời gian song thu hoạch lại dồn dập, nếu muốn duy trì lâu sẽ bị đội thêm chi phí nên chỉ cần tắc ở một khâu trong tiêu thụ cũng gây thiệt hại lớn, thậm chí phải bỏ đi. Trong đợt dịch thứ ba, Hải Dương là tâm dịch của cả nước. Ngoài nhiệm vụ chống dịch thì giải quyết lượng nông sản ùn ứ cũng là gánh nặng lớn khi mọi hoạt động kết nối giao thương bị ngưng trệ. Trước khó khăn chưa từng có này, các cấp, ngành đã quyết liệt vào cuộc, "tảng băng" chặn đường tiêu thụ tan dần, chuỗi cung cầu dần được nối lại.
Ở thời điểm đó, dù Hải Dương là tâm dịch nhưng là cuối vụ nên nông sản không còn nhiều, nông dân không bị thiệt hại quá lớn. Còn hiện tại, tuy kiểm soát tốt dịch bệnh song các thị trường tiêu thụ nông sản lớn của tỉnh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... lại đang phải phong tỏa vì dịch. Các địa phương thắt chặt kiểm soát dịch cũng đồng nghĩa việc cánh cửa tiêu thụ nông sản của tỉnh hẹp dần do khó khăn trong vận chuyển. Vì vậy, Hải Dương cần phải có những tính toán dài hơi để không bị động trong sản xuất, tiêu thụ, nhất là khi vụ sản xuất rau màu lớn nhất trong năm của tỉnh đang đến gần.
Hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa đã được tạo thuận lợi bằng thẻ "luồng xanh", nhưng với mặt hàng đặc thù như nông sản thì "thông" thôi chưa đủ mà còn cần phải "thoáng". Thời vụ gấp gáp, bảo quản phức tạp, vận chuyển cũng cập rập lại bị ảnh hưởng bởi dịch đã làm cho việc phân phối, tiêu thụ nông sản đã khó lại thêm khó. Chính vì vậy, dù là mặt hàng thiết yếu nhưng các cơ sở vẫn e ngại cung ứng nông sản trong mùa dịch. Thực tế hiện nay, nhiều loại nông sản của Hải Dương rất khó tiêu thụ, nhất là thủy sản. Bên cạnh nguyên nhân nhà hàng, quán ăn đóng cửa hoặc chỉ bán mang về ở một số địa phương làm giảm cầu thì việc vận chuyển không kịp thời trong mùa dịch cũng là lý do khiến cho tiêu thụ nông sản ì ạch. Bởi chỉ cần chậm vài giờ, vài thao tác để thực hiện quy trình phòng chống dịch cũng làm cho nông sản bị hư hỏng, gây ra thiệt hại. Do vậy phải có những ưu tiên cho việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài đáp ứng nhu cầu trong tỉnh thì mỗi tháng Hải Dương có thể cung ứng ra thị trường bên ngoài khoảng 33.000 tấn thóc gạo, 20.000 tấn trái cây, 7.500 tấn cá, gần 6.000 tấn thịt gia súc, gia cầm và hơn 3.000 tấn rau. Nếu việc vận chuyển bị gián đoạn bởi dịch sẽ làm đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Trong khi đó, năng lực bảo quản, chế biến trong tỉnh còn hạn chế nên không thể khắc phục được tính thời vụ của nông sản. Vì thế, việc cấp thiết lúc này là khơi thông "luồng xanh" cho nông sản để việc tiêu thụ được kịp thời, hiệu quả.
Tuy nhiên cũng không vì tính đặc thù mà nông sản được hưởng đặc quyền trong lưu thông để không bảo đảm những điều kiện về phòng chống dịch. Hàng hóa nông sản chỉ được ưu tiên vận chuyển khi chấp hành nghiêm về phòng chống dịch. Quy định của các địa phương cần có sự liên kết phù hợp, tránh "tắc" từ văn bản ra ngoài thực tế làm ảnh hưởng tới việc vận chuyển, lưu thông. Được như vậy nông sản sẽ có cơ hội tiêu thụ ổn định, thuận lợi hơn mà không trở thành mối lo lây lan dịch bệnh.
Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên không chỉ tạo "luồng xanh" mà còn cần tìm kiếm đích đến cho nông sản là các "vùng xanh". Song cũng không vì thế mà bỏ qua những "vùng đỏ", "vùng vàng" để tránh tình trạng nơi khan hiếm, chỗ dư thừa nông sản./.
Theo Báo Hải Dương