Phối cảnh đường Vành đai 4. Ảnh: Kinh tế và Đô thị
Kết nối vùng miền
Phát biểu tại Hội nghị triển khai quy hoạch, phương án đầu tư, xây dựng tuyến Vành đai 4 vào tháng 5/2021, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhận định, trong xu thế phát triển của đất nước, việc đẩy mạnh liên kết vùng và tạo các động lực để phát triển vùng là yêu cầu tất yếu. Hà Nội với vị thế là Thủ đô, đồng thời đóng vai trò hạt nhân, đầu tàu kinh tế trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô luôn có khát vọng và trăn trở để tìm ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.
Do đó, việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong vùng cũng như Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mà còn giúp Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang.... từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch; tạo điều kiện để Hà Nội và các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực đô thị và nông thôn, thu hút đầu tư phát triển mạnh mẽ. “Dự án đường Vành đai 4 sẽ là động lực phát triển cho Hà Nội cũng như Vùng Thủ đô” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận định: “Tuyến đường Vành đai 4 rất quan trọng, kết nối nhiều cụm công nghiệp, khu đô thị, tỉnh, TP của Hà Nội và cả Vùng Thủ đô. Vành đai 4 sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội vào loại tốt nhất cả nước, bởi nó còn thúc đẩy cả sự phát triển của cả các tỉnh, TP lân cận, không trực tiếp có Vành đai 4 đi qua khi kết nối vào”.
Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương phân tích, sở dĩ Vành đai 4 có vai trò quan trọng như vậy bởi nó sẽ mở ra cơ hội cho tất cả địa phương trong Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ dù có kết nối trực tiếp hay không. Tuyến đường giúp giao thương trong nội bộ Vùng Thủ đô trở nên dễ dàng hơn, tăng cường năng lực kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia, kéo gần khoảng cách giữa vùng núi với đồng bằng, khu vực ven biển.
“Đường lớn mở tới đâu, giao thương, sản xuất sẽ phát triển tới đó. Các trung tâm công nghiệp, logistic, thương mại, dịch vụ cũng theo đó hình thành. Có hạt nhân kinh tế sẽ quy tụ được cư dân, tạo nên các đô thị lớn mạnh dần thay thế nông thôn, mang đến sự phồn thịnh cho mỗi địa phương cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của cả đất nước”.
Tác động tích cực toàn diện
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan chia sẻ, vai trò của một con đường lớn không chỉ nằm trong lĩnh vực giao thông, nó tác động rất tích cực, toàn diện lên mọi mặt của kinh tế xã hội mỗi địa phương đi qua. Hà Nội là hạt nhân trung tâm của Vùng Thủ đô, mọi luồng lưu thông thương mại, dịch vụ đều chảy qua Hà Nội. Với Vành đai 4, các luồng lưu thông này sẽ có thêm một đường ra ổn định, năng lực luân chuyển hàng hoá cao gấp nhiều lần.
Các chuyên gia nhận định, đang có một khoảng trống rất lớn giữa Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… với các tỉnh vùng núi phía Bắc cũng như nhiều địa phương lân cận. Sự trù phú, phát triển của khu vực đồng bằng, ven biển chưa thực sự trở thành động lực kéo vùng núi theo trong guồng quay hiện đại. Với Vành đai 4, một hành lang kinh tế rộng khắp sẽ mở ra, lấp đầy khoảng trống về địa lý, hình thành chuỗi liên kết kinh tế gắn bó chặt chẽ từ vùng núi đến đồng bằng, tới ven biển Bắc bộ.
Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Phương nói: “Vành đai 4 có vai trò như một động lực quan trọng, kích phát tiềm năng của các địa phương, đặc biệt là tài nguyên đất và con người”. Bà Hoàng Thi Thu Phương lý giải, hiện rất nhiều địa phương có tỷ trọng nông nghiệp cao, đất đai được khai thác ở giá trị thấp, người dân đổ xô đến các TP lớn như Hà Nội để tìm việc làm.
Khi Vành đai 4 hình thành, giao thông thuận lợi giúp chi phí vận chuyển giảm đi, các DN sẽ dần tìm đến những khu vực còn nhiều đất trống, giá thuê thấp hơn, nhân công thấp hơn để xây dựng nhà máy, xí nghiệp, sản xuất, kinh doanh thương mại. Có cơ sở sản xuất sẽ có cư dân sinh sống, từ đó dần hình thành các đô thị mới, qua đó giá trị đất đai cũng gia tăng vô cùng mạnh mẽ. Dọc tuyến đường Vành đai 4 theo quy hoạch hiện nay, tiềm năng về đất đai, con người còn rất dồi dào, chỉ đợi có đủ điều kiện khai thác để thức tỉnh.
“Có thể nói, Vành đai 4 là động lực cho tất cả địa phương trong Vùng Thủ đô chú không chỉ 3 tỉnh, TP kết nối trực tiếp” – bà Hoàng Thị Thu Phương nói.
Thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng, về lĩnh vực giao thông, Vành đai 4 là gạch nối Hà Nội với Vùng Thủ đô, mở rộng liên kết với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và mạng lưới giao thông quốc gia. Về kinh tế - xã hội nó là điều kiện để phân bổ nguồn lực, tăng cường giao thương giữa hàng chục tỉnh, TP, tiền đề hình thành các trung tâm thương mại, logistic mới phía Bắc. Về chính trị, văn hóa, quốc phòng nó là điều kiện để tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đến từng địa phương, từ thành thị đến nông thôn, vùng núi, đảm bảo hình thành khu vực phòng thủ chung vững mạnh.
“Có thể nói, Vành đai 4 là động lực cực lớn, phát huy hiệu quả ngay, lâu dài, bền vững cho Vùng Thủ đô cũng như khu vực Bắc bộ và cả nước”. Có Vành đai 4, không chỉ Hà Nội mà Lào Cai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng… đều sẽ có điều kiện phát triển sản xuất, thương mại hơn gấp bội. Kinh tế phát triển là nền tảng để hình thành các đô thị thực chất, năng động trong toàn khu vực Bắc Bộ – thạc sĩ Đỗ Cao Phan nêu ý kiến./.
Theo Kinh tế và Đô thị