Phần lớn dự án FDI quy mô còn nhỏ
Những năm trở lại đây, đặc biệt là hai năm trải qua dịch Covid-19, phát triển công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu chững lại. Trong 6 tháng đầu năm 2019 (thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố Hồ Chí Minh tăng 7% so với cùng kỳ năm trước đó. Bước sang 6 tháng đầu năm 2020 (năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp), chỉ số này tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2021 và 2022, chỉ số IIP của thành phố tăng lần lượt là 5,9% và 3,1%.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2021, vốn FDI vào thành phố Hồ Chí Minh suy giảm. Sang năm 2022, tình hình thu hút vốn FDI của thành phố khả quan trở lại. Tính từ đầu năm đến ngày 20-7, tổng vốn FDI vào thành phố là 2,43 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ. Tuy vậy, vốn từ các dự án được cấp mới khá khiêm tốn, chủ yếu đến từ hình thức góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp trong nước và vốn được điều chỉnh sang năm 2022 của các dự án được cấp phép từ những năm trước.
Báo cáo kinh tế vĩ mô của Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, phần lớn các dự án FDI thu hút mới tại thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây có quy mô nhỏ, bình quân vốn chưa đạt 1 triệu USD/dự án.
Theo các chuyên gia kinh tế, thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu một chiến lược thu hút FDI tương xứng với vai trò đầu tàu kinh tế và công nghệ của cả nước. Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, giảng viên tại Đại học Bristol (Anh) cho rằng, giai đoạn trước đây, thành phố Hồ Chí Minh thu hút FDI chủ yếu nhờ lợi thế lao động giá rẻ. Vì vậy, phần lớn dự án FDI tại thành phố nằm ở khu vực thâm dụng lao động, giá trị gia tăng không cao. Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh chuyển đổi số và xem đây là lợi thế cạnh tranh để thu hút FDI trong thời gian tới.
Tiếp tục thu hút các “ông lớn”
Trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam mới đây, Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung Electronics (Hàn Quốc) Roh Tae-Moon cho biết, trong năm 2022, Samsung Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 69 tỷ USD, đầu tư thêm 3,3 tỷ USD và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Cuối tháng 6-2022, Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh đã trao chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex với vốn đầu tư tăng thêm hơn 841 triệu USD, nâng lũy kế vốn đầu tư của công ty này tại thành phố lên hơn 2,84 tỷ USD.
Theo Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) Lê Bích Loan, những tháng cuối năm 2022, công tác cấp giấy phép đầu tư vào SHTP sẽ được tăng tốc để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Hoạt động thu hút đầu tư của SHTP luôn công khai, minh bạch và cạnh tranh, bảo đảm sự tiếp cận công bằng của các nhà đầu tư. Hiện SHTP đưa ra bốn tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư gồm: Năng lực kinh nghiệm; năng lực tài chính; năng lực công nghệ; hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn cho biết, Sở cam kết cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư so với thời gian quy định. Theo đó, thời gian cấp phép dự án mới chỉ còn 10 ngày so với 15 ngày như trước đây.
Trong chuyến thăm Hoa Kỳ hồi tháng 7-2022 của Đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh do Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi làm Trưởng đoàn, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã gặp gỡ đại diện Ngân hàng Bank of America (BofA), Quỹ đầu tư Kolhberg Kravis Robert (KKR), Công ty tư vấn McKinsey & Company, Công ty Sasaki Associates, Inc., cùng nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ khác. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, chuyến đi nhằm xúc tiến hợp tác, đầu tư vào một số lĩnh vực quan trọng của thành phố như công nghệ, tài chính, phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh…
Liên quan đến vấn đề này, theo Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ, định hướng của thành phố là từng bước chuyển sang phương thức sản xuất thông minh trên cơ sở ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI của thành phố những năm tiếp theo. Còn Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định: “Thành phố đang hành động quyết liệt để cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thông qua cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư, chuyển đổi số, kết nối vùng…”.
Theo Hanoimoi.com.vn