Dự cảm của lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ cuối cùng cũng đã tới: Việt Nam ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên. Nhiều người đón nhận thông tin trên với một chút âu lo thay vì hoảng loạn. Lý do là từ nhiều ngày trước đó, Bộ Y tế đã liên tục cảnh báo nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập Việt Nam và đề nghị các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống để không bị động, bất ngờ.
Theo các chuyên gia dịch tễ, điểm nguy hiểm nhất ở biến thể Omicron là virus mang 32 gien đột biến, khi xâm nhập thì khả năng tương tác với chủng Delta sẽ dễ tạo thành biến chủng khác. Cũng vì sự nguy hiểm đó mà hy vọng tận hưởng mùa Giáng sinh trọn vẹn niềm vui trên khắp châu Âu đã tiêu tan khi các nước tăng cường biện pháp phòng chống biến thể “chết chóc” này.
Cùng với việc cảnh báo nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, những hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo… tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác cũng ban hành chỉ thị yêu cầu dừng tập trung đông người không cần thiết, đặc biệt trong 2 dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Trong một phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương, bộ, ngành rà soát, rút kinh nghiệm, không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Khi đề nghị dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, những hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo… trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, người đứng đầu Chính phủ, Bộ Y tế hẳn đã phải cân nhắc, suy nghĩ rất nhiều. Cả nước vừa mở cửa “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ; Tết đến Xuân về là dịp để những người con xa quê gác lại những công việc, những bộn bề lo toan trong cuộc sống về quê để đoàn tụ, sum họp với gia đình. Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, chúc tụng nhau hay đi lễ chùa để cầu mong may mắn, sức khỏe, hạnh phúc trong năm mới.
Trong bối cảnh đó, những đề nghị, chỉ đạo nói trên là không hề dễ dàng vì gánh cả sức nặng của trách nhiệm. Mặc dù chúng ta đạt tỷ lệ tiêm chủng vắc xin khá cao, sự lo lắng về nguy cơ dịch bệnh bùng phát vào các dịp lễ, Tết là hoàn toàn có cơ sở. Mọi người hẳn chưa quên mùa lễ hội 2020, trong thời điểm dịch bệnh chưa hoàn toàn bị đẩy lùi và còn diễn biến phức tạp ở một số nơi, số lượng du khách kéo đến những đền, chùa nổi tiếng quá đông, bỏ qua những quy định về an toàn trong dịch bệnh đã khiến cho chính quyền những nơi đó gặp khó khăn trong việc xử lý. Những diễn biến phức tạp đó đã khiến nhiều địa phương phải tạm hoãn các hoạt động văn hóa, giảm quy mô tổ chức lễ hội để phòng chống COVID-19.
2 năm qua, dịch COVID-19 ập tới trên bình diện rộng, dồn dập trong thời gian ngắn, gây thiệt hại nặng nề, làm đảo lộn đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, cuộc sống của mỗi gia đình. Những mất mát, đau thương sẽ còn hằn sâu trong tâm trí chúng ta nhiều năm về sau.
Sự thâm nhập của biến thể Omicron cho thấy, dịch COVID-19 vẫn đang biến đổi khó lường. Vậy nên, nếu có những yêu cầu bó buộc như hạn chế hoạt động tập trung đông người, dừng các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo trong dịp lễ, Tết từ các bộ, ngành chức năng, chính quyền địa phương thì cũng đừng lấy đó làm buồn. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus có một thông điệp rất ý nghĩa rằng “Một sự kiện bị hủy bỏ vẫn tốt hơn một cuộc sống bị hủy bỏ. Hiện giờ việc hoãn, hủy các sự kiện và ăn mừng sau sẽ tốt hơn là ăn mừng bây giờ để rồi phải đau buồn sau đó”. Thay vì bứt rứt, buồn bã, chúng ta hãy tận dụng thời gian ngày lễ, Tết bằng cách quây quần đầm ấm bên gia đình nhỏ của mình.
Nếu mỗi người dân nêu cao ý thức tự giác, trách nhiệm công dân, thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch, tuân thủ nguyên tắc 5K, chúng ta sẽ có một cái Tết Nhâm Dần 2022 - Tết bình thường mới an toàn, trọn vẹn niềm vui./.
Nguyễn Triệu Hải