Tình yêu, sự thấu hiểu của cha mẹ là món quà ý nghĩa dịp Tết Thiếu nhi 1/6. (Ảnh: Phương Ly)
Từ nhiều năm nay, chúng ta đề cập nhiều về trường học hạnh phúc, mong mỗi ngày con đến trường là một ngày vui, ở đó mỗi đứa trẻ sẽ được phát triển toàn diện "đức, trí, thể, mỹ". Ai cũng mong con em mình được lớn lên trong môi trường đầy yêu thương, để trở thành người tử tế, có ích cho xã hội. Nhưng chúng ta đang cho con cái gì? Đáp ứng đầy đủ vật chất, những chuyến du lịch xa xỉ vì được là học sinh xuất sắc? Thưởng những món đồ chơi đẹp để bù lại những ngày vất vả ôn thi?
Chúng ta đã cho các con được ăn, học, ngủ, nghỉ, chơi đúng nghĩa? Mấy phụ huynh cho con được quyền thất bại? Thời nay, mấy đứa trẻ có một mùa Hè trọn vẹn? Hay đâu đó vẫn có “học kỳ 3”? Vẫn có những đứa trẻ chưa lên lớp 1 đã phải “đánh vật” ở lớp luyện chữ. Những tiếng thở dài buông ra đâu đó…
Dù cải cách giáo dục nhưng chuyện áp lực học tập của trẻ dường như vẫn chưa giảm. Hết học chính lại đến học thêm đã chiếm phần lớn quỹ thời gian của các em. Nhiều đứa trẻ ngủ gật ngay trên xe, hoặc ăn vội chiếc bánh mỳ cho kịp giờ học thêm. Không ít đứa trẻ phải cặm cụi ngồi bên bàn học đến 11 giờ đêm, cả cuối tuần, lễ tết. Nhiều em đến trường với bộ dạng mệt mỏi, uể oải. Và các em được gì? Những điểm 9, điểm 10 tròn trịa? Những tấm giấy khen xuất sắc? Nhưng thử hỏi liệu các em có vui và trân trọng, tự hào về những thành tích ấy?
"Có lẽ các em cần hơn sự thấu hiểu, yêu thương của cha mẹ. Đừng thần thánh hóa những tấm giấy khen, những bảng điểm đẹp, bởi trẻ đã phải đánh đổi quá nhiều để đạt được những điều đó".
Là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (CRC) vào năm 1990, đến nay, với những cam kết chính trị và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của trẻ em Việt Nam trên mọi miền của đất nước không ngừng được bảo đảm. Ngày càng có nhiều trẻ em được bảo vệ, được sống, được chăm sóc sức khỏe, được học tập và được ưu tiên trong các chính sách phúc lợi.
Điều 100 Luật Trẻ em năm 2016 nêu rõ: Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm trau dồi kiến thức, kỹ năng giáo dục trẻ em về đạo đức, nhân cách, quyền và bổn phận của trẻ em; tạo môi trường an toàn, phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em; phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại…
Nhà giáo Nguyễn Hoàng Chương đã nói: “Điều làm nên phẩm cách nhà giáo là lòng yêu thương học sinh. Người thầy phải rời bục giảng, bước xuống gần hơn với trò của mình để lắng nghe, để hiểu và sẻ chia. Nghề giáo - dẫu khó đến mấy mà trái tim luôn dành cho học sinh, chúng ta sẽ tạo nên những trường học hạnh phúc…”.
Phụ huynh cũng bớt đổ lỗi cho “cơm áo gạo tiền”, bớt "sính" thành tích, khi đó chắc hẳn đứa trẻ sẽ hạnh phúc hơn. Tạo ra động lực học tập cho trẻ bằng việc tìm kiếm, khám phá và đón nhận cái mới, để các em được hoàn thiện bản thân. Ngay từ khi còn nhỏ, đứa trẻ cần được nuôi dưỡng điều này, chứ không phải đánh mất động lực học tập, học vì những kỳ vọng, nỗi bất an của người lớn.
Thay vì, những buổi tổ chức liên hoan, những món quà đắt tiền, những chuyến du lịch, có lẽ các em cần hơn sự thấu hiểu, yêu thương của cha mẹ. Đừng thần thánh hóa những tấm giấy khen, những bảng điểm toàn 9, toàn 10. Bởi những đứa trẻ đã phải đánh đổi quá nhiều để đạt được điều đó.
Bớt những lời rao giảng đạo đức, bớt những kỳ vọng, chúng ta hãy ngồi lại với con, thấu hiểu con mình, hỏi xem con muốn gì, cần gì? Thành tích ảo sẽ chẳng thể đem lại cho con nhân cách thật trong tương lai. Đứa trẻ cũng cần được tôn trọng, được lắng nghe, được bày tỏ quan điểm. Chấp nhận những thành tích chưa trọn vẹn của con, trân trọng sự nỗ lực của con, đừng lấy “con nhà người ta" để làm quy chuẩn cho con mình cũng là một cách giúp con cảm thấy hạnh phúc hơn.
Albert Einstein đã nói: Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời (con cá đó) sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc. Thật vậy, mỗi đứa trẻ đều có thế mạnh và điểm yếu. Ai đó có thể là một nhạc sĩ nhưng là một đầu bếp tệ. Khả năng trong một lĩnh vực nào đó cũng không định nghĩa giá trị cốt lõi của một người.
Hiện nay, người ta đã chú trọng nhiều việc dạy kỹ năng sống cho trẻ, giáo dục để trẻ thành người tử tế, trở thành công dân toàn cầu. Nhưng quan trọng hãy để con được là chính mình!
"Trái chín quá sẽ không ngọt", "mài ngọc chớ mài quá tay", hãy cởi bỏ những áp lực cho con, chấp nhận những thiếu sót của con, những bảng điểm chưa hoàn hảo của con. Cha mẹ hãy chấp nhận để con được quyền thất bại để đứng lên, để trải nghiệm, lớn lên, trưởng thành. Món quà nào quý hơn ở việc thấu hiểu, yêu thương?
Khi không còn những áp lực điểm số, chạy đua thành tích, sẽ không còn những đứa trẻ cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Ở đó, đứa trẻ sẽ hứng thú với mỗi ngày đến trường, nơi các em được là chính mình. Để động lực học tập của các em là cho chính mình chứ không phải "học vì cha mẹ", "sống cuộc đời của cha mẹ"...
"Tạo ra động lực học tập cho trẻ bằng việc tìm kiếm sự vui vẻ khi khám phá và đón nhận cái mới, để các em có thể hoàn thiện bản thân. Ngay từ khi còn nhỏ, đứa trẻ cần được nuôi dưỡng điều này, chứ không phải đánh mất động lực học tập, khám phá vì những kỳ vọng, nỗi bất an của người lớn". |
Báo Quốc tế