Bác Hồ trồng cây ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội, ngày 11-1-1960. Ảnh: Tư liệu
Để thi đua lập thành tích kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng vào năm 1960, bên cạnh các phong trào thi đua khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị tổ chức Tết trồng cây. Bài viết “Tết trồng cây” của Người truyền đi thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc: Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà cần bắt đầu từ những việc làm, hành động nhỏ nhưng ý nghĩa và lợi ích thiết thực, lâu dài, ví như phong trào trồng cây "tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều", và điều quan trọng là mọi người đều có thể tham gia, "từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng".
Theo dự tính của Người, miền Bắc nước ta khi ấy có khoảng 14 triệu người, mỗi Tết trồng được khoảng 15 triệu cây, từ năm 1960 đến năm 1965 sẽ có 90 triệu cây. Các cây sẽ cho hoa trái, sẽ làm được cột nhà, và điều quan trọng trong mười năm sau, "nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta".
Vào sáng ngày 11/1/1960, trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân Canh Tý, Tết trồng cây đầu tiên đã diễn ra tại Công viên Thống Nhất, thủ đô Hà Nội. Tại đây, trong không khí nô nức, phấn khởi, Bác cùng đồng bào Thủ đô trồng cây, Người tự tay cầm xẻng, xúc đất vun cho một cây đa nhỏ. Trồng cây xong, Bác nói chuyện thân mật với mọi người về lợi ích của việc trồng cây. Người nói, mấy năm trước nơi đây còn là bãi rác, nhờ có lao động của mọi người mà nay cây đã lên xanh tốt. Ngày nghỉ, các cô, các chú dẫn con cái ra đây hóng mát, xem hoa, ngắm cây vui chơi. Đây chính là vườn hoa của các cô, các chú. Vậy chúng ta phải lao động cho thật tốt, ta làm cho ta và cho con cháu đời sau.
Và từ mùa xuân năm 1960, phong trào trồng cây đã lan rộng đến nhiều vùng miền, trở thành nét đẹp văn hóa, thể hiện lối sống và phương thức ứng xử hài hòa giữa con người với thiên nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực, tiên phong đi đầu. Để việc trồng cây mang lại lợi ích thiết thực, Người yêu cầu các bộ ngành phải có kế hoạch cụ thể, tính tới từng công đoạn: "Bộ Nông lâm, các Ty Nông lâm và các đoàn thể cần phải ươm đủ giống cây. Ủy ban hành chính các địa phương phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu…". Trồng cây với tinh thần tự giác nhưng cũng là trách nhiệm, bổn phận của mỗi người, "trồng cây rồi thì phải ra sức chăm sóc cây, trồng cây nào phải chăm sóc cho cây ấy sống và tươi tốt".
Bác Hồ trồng cây tại đồi Vật Lại, nói chuyện với nhân dân, cán bộ và thiếu nhi Hà Tây ngày 16-2-1969. Ảnh: Internet
Mùa xuân năm 1969, để kỷ niệm 10 năm Tết trồng cây được phát động, Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý định tham gia trồng cây ở một địa phương có nhiều thành tích. Tuy nhiên, sức khỏe của Bác không được tốt; những đồng chí phục vụ rất lo cho sức khỏe của Người, nhiều lần đề nghị Bác hoãn lại việc trồng cây. Nhưng Bác rất kiên quyết. Bác gợi ý chọn xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội) là nơi có phong trào trồng cây tốt. Và đúng vào sáng mùng một Tết Kỷ Dậu (ngày 16/2/1969), Bác về thăm Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì và trồng cây đa tại đồi Đồng Váng, xã Vật Lại – cây đa cuối cùng Người trồng trước lúc đi xa. Ngày 19/2/1969, Người tặng huy hiệu cho 3 cán bộ ở tỉnh Hà Tây có thành tích về chăn nuôi, trồng cây và cải tiến kỹ thuật, trong đó có cụ Nguyễn Văn Tích - xã viên hợp tác xã của huyện Ba Vì có thành tích trồng 30.000 cây các loại và động viên 2 con đi bộ đội chống Mỹ lập nhiều chiến công.
Trước đó, trong bài viết “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân dân số 5411 ra ngày 5/2/1969, Người một lần nữa nhấn mạnh đến mục đích, ý nghĩa lớn lao của phong trào trồng cây, biểu dương những địa phương, tấm gương tốt, đồng thời phê bình những biểu hiện chiếu lệ, hình thức trong phong trào trồng cây của một số nơi. Người nhấn mạnh: Chúng ta phải trồng cây cho cả đồng bào miền Nam nữa.
Việc phát động Tết trồng cây còn cho thấy tầm nhìn xa, thiết thực của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với Người, việc trồng cây không chỉ là câu chuyện hiện tại mà gắn liền tương lai, vận mệnh nước nhà. Người từng nhấn mạnh "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người", việc trồng cây rất quan trọng, phải trở thành công việc thường xuyên, lâu dài, là nghĩa vụ trách nhiệm của mỗi cá nhân, thể hiện nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Ngay cả trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn toàn Đảng, toàn dân phải quan tâm đến việc trồng cây để làm cho đất nước ngày càng đẹp hơn. Người viết: "Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp".
Hiện nay, trước những tác động xấu từ mặt trái của quá trình công nghiệp hoá, đô thị hóa, những diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, lũ lụt, hạn hán và những tác động tiêu cực của con người đối với thiên nhiên khiến cho những cánh rừng đầu nguồn bị tàn phá, những ngọn núi bị san phẳng, màu xanh của sự sống trở nên thưa vắng thì việc trồng cây lại có ý nghĩa thiết thực và cấp bách hơn bao giờ hết.
Nhớ lời Bác dặn, mỗi cá nhân phải tham gia trồng cây, gây rừng, chăm sóc, nuôi dưỡng cây xanh để mùa xuân đất nước mãi luôn tươi đẹp, trường tồn, xứng đáng với nguyện ước và kỳ vọng của Người: "Mùa xuân là Tết trồng cây / Làm cho đất nước càng ngày càng xuân"./.
NHP